Bắt đầu một ngày bằng ‘Happy list’

Mình có thói quen lập to-do list mỗi ngày. Từ một người sống tùy hứng, mình đã dần học được cách lên kế hoạch cho ngày, tháng, năm và tập đặt ra những mục tiêu dài hạn. Một ngày thành công đối với mình là hoàn thành hết các công việc trong to-do list.

Nhưng cũng có những ngày nhìn to-do list, mình chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Mình chia công việc mỗi ngày thành các nhóm gồm: làm việc, cuộc sống, học hành, tâm linh và một khoảng thời gian tự do gọi là “me time” để làm bất cứ điều gì mình thích.

Với danh sách công việc như thế, đương nhiên là mình phải ưu tiên cho những việc phải làm và cần làm rồi. Trước đây, những việc phải làm với mình là ăn, ngủ, vệ sinh cá nhân và công việc để mưu sinh. Những việc nên làm là học hành, phát triển bản thân. Khi xong những việc phải làm và nên làm thì cũng hết ngày và đến giờ đi ngủ rồi, mình chẳng còn đủ thời gian cho việc mình thích làm nữa.

Nếu bớt xén thời gian ngủ để giải trí hay làm những gì mình thích, mình sẽ phải trả giá bằng cả ngày mệt mỏi vào hôm sau, và hậu quả sẽ là không thể hoàn thành to-do list. Còn nếu không dành đủ thời gian cho sở thích cá nhân thì mình lại không cảm thấy thỏa mãn, từ đó càng không có động lực học hành hay làm việc.

Thầy mình gợi ý: “Con có thể sắp xếp thứ tự ưu tiên các công việc như sau: tâm linh, sống, học hành, làm việc.”

Mình hỏi: “Trước đây con cho rằng công việc là thứ quan trọng nhất nên luôn cho lên đầu danh sách. Sau này con nhận ra chăm sóc cho linh hồn của mình mới là việc quan trọng hàng đầu. Nhưng con không hiểu, sao công việc giúp mình kiếm tiền mưu sinh lại đặt ở cuối danh sách?”

Thầy mình bảo: “Vì con phải làm tốt ba việc kia trước thì con mới làm việc hiệu quả. Con có thể linh hoạt sắp xếp làm việc gì trước, việc gì sau. Nhưng hãy đảm bảo con dành đủ thời gian cho những việc quan trọng.”

Mình hỏi tiếp: “Nếu một ngày con nhìn to-do list và chẳng muốn làm gì cả thì con phải làm sao?”

Thầy mình nói: “Vậy để ta gợi ý cho con nhé! Con hãy bắt đầu từ việc khiến con hạnh phúc nhất, cho đến những việc khiến con ít hạnh phúc hơn.”

Mình hào hứng: “Con có thể sống như vậy thật sao ạ? Vậy nếu con dành cả ngày chỉ để ngồi xem phim. Hay con ngồi viết blog, thu podcast cả ngày thì có sao không ạ?”

Thầy mình bảo: “Không sao cả. Vì có những ngày con chẳng xem tập phim nào, cũng có những ngày con chẳng viết gì trên blog.”

Mình đăm chiêu suy ngẫm: “Con cứ nghĩ mình phải làm gì đó có ích thì mới không lãng phí thời gian.”

Thầy mình nói tiếp: “Con không nhất thiết phải chia năm xẻ bảy khoảng thời gian trong một ngày cho tất cả những việc con cho là có ích. Con có thể học hỏi được nhiều thứ từ một bộ phim tốt, cũng như gieo những hạt giống lành từ những gì con chia sẻ. Con hãy nghĩ đến mùa của cuộc đời và dành thời gian cho những điều khiến con thật sự hạnh phúc.”

Vậy là sau nhiều năm hối hả sống vì lo lắng cho tương lai, mình bắt đầu học cách sống chậm lại và dành thời gian cho những điều mình thích. Có những ngày mình thay “to-do list” bằng “happy list”. Điều đó có thể không giúp mình kiếm được nhiều tiền hơn nhưng khiến tâm hồn mình giàu có hơn và khiến mình cảm thấy hạnh phúc hơn.

Vào mùa nghỉ ngơi, mình cho phép bản thân được đắm chìm trong những bộ phim khiến mình tâm đắc. Mình đăng blog hàng ngày và ra podcast hàng tuần. Những điều mà mình luôn muốn làm nhưng trước đây vừa làm vừa băn khoăn, sốt ruột. Những ngày này, mình đăng trên blog mỗi ngày hai bài, chia sẻ về trải nghiệm sống và cảm nhận phim. Tất nhiên tốc độ cày phim và tốc độ viết bài của mình không thể năng suất đến thế. Chỉ là những năm qua mình đã chăm chỉ sống, chăm chỉ viết và giờ mình mới đăng những bài viết đó lên blog để chia sẻ với những người hữu duyên.

Mình thật sự không quan tâm quá nhiều đến đến chỉ số, mình viết blog, làm podcast chỉ vì mình muốn làm điều đó thôi. Khi đăng bài lên blog thường xuyên hơn, mình phát hiện ra có hẳn một cộng đồng viết blog trên WordPress. Nó không tạo thành cộng đồng để các blogger có thể dễ dàng tìm đến nhau như trên Yahoo! 360 hay My Opera ngày xưa. Mỗi trang blog WordPress như một ốc đảo trên internet mà phải hữu duyên lắm mới đọc được một bài viết tâm đắc, bởi vì tìm trên Google thì chưa chắc đã thấy. Mình đã theo dõi những blogger mình thấy thú vị, lưu lại cả tá những bài viết hay để dành đọc dần. Lý do mình thích đọc blog là bởi trong đó có cá tính, dấu ấn cá nhân và cả tâm hồn của người viết. Mình và họ, những blogger khác, có thể chưa từng nói chuyện với nhau bao giờ nhưng chúng mình vẫn thường xuyên giao tiếp bằng ngôn từ, bằng sự đồng cảm.

Con người hạnh phúc nhất khi được sống là chính mình, được làm những gì mình thích và thích những gì mình làm. Và khi có ai đó khác thích những gì mình làm, thì niềm hạnh phúc còn được nhân lên gấp bội. Mình viết blog, làm podcast để trải lòng, chia sẻ và cũng hy vọng có thể an ủi một chút cho tâm hồn của những ai hữu duyên biết đến mình.

Ngay trước thềm sinh nhật, mình nhận được lá thư từ một thính giả cùng một món quà rất ý nghĩa mà bạn gửi tặng mình. Mình đã xin phép bạn chia sẻ lại món quà mà bạn tặng mình, đó là một radio bạn tự thu bài viết bạn tâm đắc nhất trên blog của mình. Mặc dù bạn tự nhận giọng đọc của mình không được chuyên nghiệp như phát thanh viên nhưng mình cảm thấy giọng bạn rất ấm áp và giàu cảm xúc. Mình đã dành thời gian đọc chậm rãi từng câu, từng chữ trong lá thư bạn gửi và nghe hết radio bạn gửi tặng kèm mình. Chúng thật sự chạm đến trái tim mình. Đây thật sự là món quà sinh nhật bất ngờ và ấm áp mình nhận được trong năm nay.

Cảm ơn bạn đã cho mình biết những việc nhỏ bé mình làm có ý nghĩa thế nào với ai đó. Điều đó đã tiếp thêm cho mình niềm tin để tiếp tục gieo trồng những hạt giống lành trên khu vườn xinh xắn của mình. Để khép lại số podcast mừng sinh nhật mình, mình xin được chia sẻ lại bài viết Thời gian đã mang đi thứ gì qua giọng đọc của một người bạn đồng cảm với mình.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết chất lượng hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started