Sống như những cái cây

Những cái cây đã “dạy” mình nhiều bài học, từ sức sống bền bỉ, mãnh liệt, thuận theo tự nhiên đến việc âm thầm phát triển một bộ rễ vững chãi.

Thuận theo tự nhiên, tùy duyên mà sống

Ở Hà Nội mình có một vườn cây nhỏ ở khoảng sân phía sau căn phòng, mình gọi đó là “Khu vườn của những kẻ lang thang”. Những cái cây đó, một phần do bạn mình trồng và để lại hoặc bạn cho mình đem về chăm, còn lại là những cái cây tự nhiên mọc lên, trong đó có một cây hoa sữa, còn lại mình không biết tên. Điều thú vị là những cái cây mình mua về trồng thì chỉ sống được một thời gian rồi chết, còn những cái cây người khác trồng hoặc tự mọc thì chúng lại sống rất bền bỉ, có cây cũng có tuổi thọ đến gần chục năm rồi. Đúng như câu “Cố ý trồng hoa, hoa không nở, vô tình cắm liễu, liễu lại xanh”.

Cây hoa sữa rụng trụi lá khiến mình cảm thấy hụt hẫng.

Một người bạn của mình bảo những loài như cây hoa sữa, cây bơ, cây cam vốn dĩ phải được trồng ở những nơi có đủ đất và phân bón thì mới phát triển được, chứ trồng trong những cái chậu bé tí tẹo thì chúng cũng chỉ còi cọc vậy thôi. Nhưng vốn dĩ mình không chủ động trồng mà chúng tự mọc, khi đủ nắng và độ ấm thì hạt giống mọc thành cây, mình không nỡ nhổ đi nên cứ để chúng sống. Điều mà mình có thể làm chỉ là tưới cho chúng chút nước chứ cũng không làm gì cưỡng cầu với quy luật tự nhiên.

Ở trong lòng thành phố, nếu chúng không được gieo trồng hay không tìm được một mảnh đất cho mình thì mọc lên từ một cái thùng xốp cũng được chứ sao. Mình thấy ở trên sân thượng còn có những cây si vẫn mọc lên xanh tốt dù chỉ bám rễ vào bức tường xi măng. Hay như đám rêu mọc ở góc sân, vào những ngày mưa phùn ẩm ướt, chúng lên xanh rì. Nhưng chỉ mấy hôm nữa khi nắng lên là chúng khô héo hết, những mảng rêu xanh chỉ còn là những xác rêu khô màu xám. Dẫu chỉ được sống một quãng thời gian ngắn ngủi, chúng vẫn xanh tươi khi có thể.

Góc nhỏ bình yên trên sân thượng của mình.

Sức sống tiềm tàng và mãnh liệt

Trước đây, mỗi khi đi vắng dài ngày thì ngoài Tôm ra, thứ mình bận lòng là những cái cây. Không có người tưới nước thường xuyên, chúng chỉ biết dựa vào nước mưa hoặc sương sớm. Năm ngoái, sau hơn một tháng mình ở Lào Cai về thì cây bơ chết, sau một tháng mình về quê xuống thì cây cam nhỏ ra đi, một tháng nữa trôi qua, cây hoa sữa đã rụng trụi lá. Dẫu không phải là một người có tâm hồn giống Lâm Đại Ngọc, khóc hoa, chôn hoa khi hoa rụng, nhưng mình cũng không khỏi hụt hẫng và chạnh lòng buồn. Bởi cây hoa sữa như anh cả của khu vườn, nó làm bạn với mình nhiều năm rồi, sức sống rất bền bỉ. Những đợt trước mình cũng đi vắng cả tháng mà nó vẫn sống. Nhưng có lẽ sau khoảng thời gian dài trời khô hạn, không mưa nên nó không trụ được nữa.

Mẹ mình bảo nếu nó chết hẳn rồi thì chặt đi, không nên để cây chết trong nhà, không may mắn. Mình vốn không tin một cái cây nhỏ bé có thể ảnh hưởng đến vận may của mình và mình vẫn hy vọng một ngày nó sẽ hồi sinh. Nhưng lại thêm một tháng nữa, sau khi mình từ quê xuống mà nó chưa sống lại thì mình đã hết hẳn hy vọng. Nhìn những cành cây khẳng khiu trơ trụi lá, lòng mình cũng rầu rĩ theo.

Những chiếc chồi non đầu tiên mọc ra từ những cành cây khẳng khiu.

Ấy thế mà một buổi sáng khi mở cửa sau nhìn ra, mình nheo mắt nhìn lên thì thấy từ những cành cây tưởng chết khô đang mọc ra những chồi non mới. Mình bất ngờ và phấn khích đến nỗi phải chụp ngay lại gửi cho mẹ và mấy đứa bạn thân. Những cái cây luôn khiến mình ngạc nhiên về sức sống của chúng, chúng không thật sự chết dù đã rụng sạch lá. Với mình, đó chính là hình ảnh mạnh mẽ của sức sống và niềm hy vọng. Trong một khoảnh khắc, mình liên tưởng đến Chiếc lá cuối cùng của O. Henry, nhưng chiếc lá trong truyện do cụ Behrman vẽ tiếp thêm niềm tin cho Johnsy, còn chiếc lá của mình là những chồi non thật sự. Có lẽ đây cũng là thông điệp do vũ trụ gửi để tiếp thêm niềm tin cho mình.

Sống trong hiện tại

Thú thật là sau kỳ nghỉ lễ, mình không muốn trở lại Hà Nội một chút nào. Không còn Tôm nữa, căn phòng chỉ còn lại sự cô đơn, quạnh quẽ, mình có cảm giác như chẳng còn gì để ngóng trông. Mình quên mất là vườn cây của mình cũng cần người tưới nước. Mình không nhận ra rằng chúng cũng mang đến cho mình sự bình yên. Ở Hà Nội, có lẽ khó kiếm được căn phòng yên tĩnh nằm dưới những tán lá xanh như thế này. Khi cây sữa chết khô, mình đã nghĩ những trang đời của mình ở căn phòng này sắp đến lúc khép lại, mình cần lật sang những trang mới hơn. Có một vài khoảnh khắc mình đã vu vơ nghĩ đến việc trả lại căn phòng này, rời khỏi Hà Nội, nhưng lại chưa biết là mình muốn đi đâu. Đúng lúc đó, những chiếc chồi non mọc ra từ những cành cây khẳng khiu như nhắc nhở mình rằng cuộc sống vẫn đang tiếp nối. Hôm nay mình vẫn đang ở đây, một ngày nào đó mình sẽ rời đi, nhưng điều đó không quan trọng. Quan trọng là mình phải thật sự sống trong từng phút giây hiện tại và bình thản đón nhận những điều sẽ đến.

Những chiếc lá vẫn lớn lên mỗi ngày.

Luôn bắt đầu từ bộ rễ

Mình đã trăn trở vì sao một cái cây tưởng như chết khô lại có thể hồi sinh ngoạn mục. Google đã cho mình một số câu trả lời, loại trừ những cây thay lá theo mùa ra thì mình thấy có hai đáp án khá hợp lý. Thứ nhất là khi cây chịu stress do thiếu nước, thiếu dinh dưỡng, hoặc bị sâu bệnh tấn công, cây có thể rụng lá để bảo tồn năng lượng. Khi điều kiện môi trường cải thiện, cây sẽ mọc chồi non và lá mới để phục hồi. Điều này cũng cho mình bài học về sự buông bỏ, muốn giữ được mạng sống, nhiều khi ta phải dũng cảm buông bỏ. Một kẻ sắp chết đuối mà cứ khư khư giữ lấy tài sản của mình không buông thì chỉ có chết nhanh hơn.

Lý do thứ hai một số loại cây có khả năng phục hồi rất mạnh mẽ. Ngay cả khi thân cây bị khô héo, lá rụng hết, nếu bộ rễ vẫn còn sống, cây vẫn có thể mọc chồi non và sống lại. Điều này mình cũng đã quan sát và chứng thực, những cái cây có sức sống mạnh mẽ đều có bộ rễ phát triển và bám rất chắc. Nếu để ý quan sát, bạn sẽ thấy khi gieo trồng bất kỳ hạt giống nào thì chúng sẽ mọc rễ đầu tiên, sau đó mới nảy chồi. Như mình từng nhiều lần trồng hạt bơ vào một cốc nước và quan sát thấy chúng mọc ra cái rễ đầu tiên và phát triển rất nhanh, nhưng phải mất nhiều tháng trời mới thấy mọc chồi. Điều này lại cho mình bài học về phát triển bản thân, nếu ví mình như một cái cây thì để phát triển xanh tốt, ra hoa kết quả thì phải có bộ rễ vững chắc trước. Đó là một quá trình lâu dài, cần sự kiên nhẫn, nhiều khi ta có cảm giác mình chẳng tiến bộ gì nhưng thực ra mình vẫn đang âm thầm phát triển. Như một bức tranh đầy ý nghĩa mà bạn mình gửi với dòng caption “Growth is not always visible.”

Có những thời điểm mình thấy bản thân cũng có chăm chỉ, nỗ lực mà dường như chẳng mấy tiến bộ. Cho đến một hôm bạn mình rủ đi chơi với mấy người bạn nước ngoài, mình nhận ra vốn tiếng Anh của mình không hề tệ. Mà mình cũng chỉ tự học và nói chuyện một mình mỗi ngày thôi chứ ít có cơ hội giao tiếp với người nước ngoài. Hay như lần mình xem một video trên kênh Little Fox Chinese và ngạc nhiên khi mình có thể hiểu tới 60% nội dung dù không có phụ đề tiếng Anh, mà mình cũng chỉ học tiếng Trung chơi chơi qua app thôi. Mình cứ nghĩ bạn mình có nhiều cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài lên trình tiếng Anh lên nhanh. Nhưng bạn bảo: “Mình tự tìm cơ hội thôi” và bạn cũng tự học mỗi ngày trên app, hay nghe podcast rồi nói theo. Đúng là không phải lúc nào chúng ta cũng nhìn ra sự phát triển của bản thân nhỉ?

Một điều mình mới khám phá ra ở bản thân, đó là mình không hề ngại khi nói chuyện với người lạ, kể cả người nước ngoài, không bị run khi đứng trước đám đông và cũng không ngại xuất hiện trước ống kính máy quay. Đây là điều trái ngược hoàn toàn với những cái nhãn mình tự dán cho bản thân, như hướng nội, không khéo giao tiếp hay thiếu tự tin. Có lẽ mình sẽ không thể có được sự tự tin đó nếu mình không phải là người thích tìm tòi, khám phá. Phiên bản hiện tại của mình là sự tích lũy từng chút một từ những trải nghiệm trong quá khứ. Phiên bản tương lai của mình cũng được tạo nên từ những gì mình đang làm hôm nay.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết tâm đắc hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started