Những rạn nứt trong gia đình, hiểu để mà thương

Mối quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người. Một người không có mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp với chính gia đình của mình thì rất khó để sống một cuộc đời tốt đẹp, càng khó chữa lành những sang chấn tâm lý. Vì thế, muốn chữa lành bản thân thì cần quay về kết nối với gia đình.

Dù ở tuổi nào, con người cũng dễ tổn thương vì gia đình rạn nứt

Hôm trước mình đọc được bài chia sẻ của một người bạn trên mạng xã hội. Bạn quan sát trong văn học và cuộc sống, bố mẹ được nhắc đến với hai vai trò. Thứ nhất là những đứa con ca ngợi công ơn bố mẹ, cảm ơn sự hy sinh của bố mẹ, xuýt xoa nhận ra lớn lên rồi mới thấy làm bố mẹ khó quá, nhóm này ở Việt Nam chiếm đa số. Thứ hai là những người oán hận cha mẹ họ, đau đớn khi nhận ra những vết thương tâm lý đã hủy hoại họ ở tuổi trưởng thành đều đến từ sự giáo dục độc hại của những người biết đẻ mà không biết nuôi dạy con, nhóm này chiếm thiểu số. Còn lại là những người có bố mẹ bình thường và không nhắc gì về bố mẹ họ.

Bạn là một trong những người mang tổn thương tâm lý ở tuổi trưởng thành do được thừa kế “di sản” bạo lực và tàn nhẫn đến từ gia đình qua nhiều thế hệ. Vì thế, bạn không tự tin mình có thể trở thành phụ huynh tốt và nghĩ rằng tốt hơn là nên để món “di sản độc hại” đó chết ở thế hệ của bạn. Ở phần bình luận, có bạn tự nhận mình rơi vào trường hợp có cha mẹ độc hại và đang băn khoăn liệu kịch bản cũ có lặp lại ở thế hệ của bạn hay không. Có nhiều điều bạn muốn giãi bày nhưng phải kiềm chế. Có bạn lại thấy mình ở cả hai trường hợp (vừa biết ơn, vừa oán hận cha mẹ) nhưng lại không viết ra được nên thường xuyên đau đầu với những suy nghĩ miên man.

Mình có chơi với vài người bạn có tuổi thơ bất hạnh và có thể nói là có cha mẹ độc hại. Một người bạn của mình cay đắng thốt ra rằng: “Đứa trẻ hạnh phúc dùng tuổi thơ để sưởi ấm cả cuộc đời. Đứa trẻ bất hạnh dùng cả cuộc đời để chữa lành những sang chấn tuổi thơ”. Tuổi thơ của bạn là những trang nhật ký chằng chịt nỗi buồn mà bạn còn không dám mở ra đọc lại. Khi bạn lấy chồng, bạn hy vọng về một gia đình hạnh phúc. Chồng bạn biết rõ quá khứ của bạn, nhưng trong một lần cãi vã, vì muốn hơn thua mà anh ấy đã thốt ra câu: “Đến người nhà cô còn chẳng yêu thương gì cô thì cô mong đợi gì ở ai?” Chồng bạn là một người làm kinh doanh nên thường giao tiếp rất khéo léo với khách hàng, nhưng nhiều khi lại đem những áp lực, bực bội trong công việc về trút lên đầu vợ con. Con người thường như vậy, lịch sự với người ngoài nhưng lại vô tâm với người nhà.

Một người bạn khác của mình bị trầm cảm và phải dùng thuốc thường xuyên, bệnh của bạn chính là di chứng của tuổi thơ bất hạnh. Mình từng hỏi bạn rằng có mơ ước về một gia đình hạnh phúc sau này không. Bạn trả lời rằng: “Đó là điều mà hầu như ai cũng muốn, nhưng tớ cũng biết đó là thứ tớ không bao giờ có được.”

Gần đây mình nghe một số podcast có khách mời là TS Lê Nguyên Phương, bác chia sẻ nhiều về khoảng cách thế hệ và các mối quan hệ trong gia đình. Bên dưới có nhiều bình luận đầy xúc động: “Tôi đã khóc dù đã 59 tuổi, nghĩ đến những đứa trẻ cảm thấy cô đơn, thương quá! Vì dù 59 tuổi đôi khi tôi vẫn cô đơn nên rất hiểu cảm giác không có nơi nương tựa tinh thần.” Một bạn khác chia sẻ câu chuyện của mình: “Ba tôi là một bác sĩ quân y, một người tốt đã cứu sống và giúp đỡ nhiều người, ngay cả có lần nguy hiểm đến tính mạng ông vẫn không màng. Bởi vậy ông được rất nhiều người quý mến. Thế nhưng trong gia đình và dòng họ, ông xung đột với gần như tất cả những người bà con gần nhất, rốt cuộc không ai thắng cả, và chính ông cũng bị trầm cảm triền miên cả gần 30 năm cho đến khi qua đời.” Có bạn lại mang đến một góc nhìn khác: “Em thì không phải chịu sự dạy dỗ khắc nghiệt, nhưng không phải cứ khắc nghiệt thì mới có thể nhận ra những mâu thuẫn và khoảng cách giữa mình và phụ huynh. Hiện giờ em vẫn chưa hoá giải được điều này cho bản thân.”

Chia sẻ về những góc khuất gia đình gần như là điều cấm kỵ với nhiều người. Một phần vì văn hóa Á Đông đề cao chữ hiếu, dù cha mẹ ra sao vẫn có công sinh thành, dưỡng dục. Phần vì truyền thống dân tộc coi trọng sự kín đáo, “Đẹp đẽ khoe ra, xấu xa đậy lại”, “Chớ vạch áo cho người xem lưng”, nhất là khi cái lưng đó chi chít những vết sẹo chứ chẳng lành lặn gì.

Mình nhận ra, dù ở tuổi nào thì người ta vẫn dễ tổn thương vì mối quan hệ gia đình rạn nứt. Mối quan hệ là một trong những yếu tố quan trọng định hình nên một con người. Nếu một người không có những mối quan hệ chất lượng và có tính nâng đỡ thì họ dễ chìm sâu vào tuyệt vọng hơn. Mình từng quen biết một cậu em qua đời năm 17 tuổi vì tự tử. Trong đám tang, nhiều người trách em ấy không biết thương bố mẹ nên mới hành động dại dột như vậy. Mãi sau này mình mới biết rằng trước khi mất em thường bị bố bạo hành dưới danh nghĩa “dạy dỗ”. Bố em thường trói em lại và dùng dép vả vào mặt đến mức chảy máu miệng, điều quan trọng là mẹ em chứng kiến tất cả nhưng không làm gì. Ở tuổi đó em cũng có chơi bời, nghịch ngợm một chút nhưng tội của em chưa nghiêm trọng đến mức phải được “dạy dỗ” theo cách đó. Huống hồ, đời ai mà chưa từng phạm phải những sai lầm. Có lẽ em ấy đã cô đơn và bất lực lắm, cô đơn trong chính gia đình của mình.

Mình từng nghe cuốn Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ của TS. Đặng Hoàng Giang, một cuốn sách kể câu chuyện về những người thật việc thật mà theo mình là ám ảnh không kém cuốn Đại dương đen. Nếu như cuốn Đại dương đen khai thác các nhân vật với những độ tuổi khác nhau thì cuốn Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ tập trung vào các nhân vật ở độ tuổi thanh thiếu niên. Những người mang sang chấn tâm lý từ nhẹ đến nặng từ những rạn nứt, đứt gãy mối quan hệ trong gia đình. Đó là những vết thương khó chữa lành và những đứa trẻ ấy dường như phải mang theo suốt đời.

Mối quan hệ gia đình là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi con người dù xét trên bất kỳ góc độ nào, từ pháp luật, luân lý đến tâm linh. Đó là sự ràng buộc suốt đời, cả về tình cảm lẫn trách nhiệm. Khi một người ốm đau, bệnh tật, tai nạn, qua đời thì người thân chính là những người có trách nhiệm lo cho họ. Nếu bạn tin vào nhân quả luân hồi thì phải có duyên nghiệp mới đầu thai thành người một nhà. Đã là người một nhà thì có phúc cùng hưởng, có nghiệp cùng chịu. Một người không có mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp với chính gia đình của mình thì rất khó để sống một cuộc đời tốt đẹp, càng khó chữa lành những sang chấn tâm lý. Vì thế, muốn chữa lành bản thân thì cần quay về kết nối với gia đình. Như ở trong phim Brave, cô công chúa Merida muốn hóa giải lời nguyền để cứu mẹ thì phải “Nối lại sợi dây bị đứt bởi lòng tự trọng”. Đó chính là tấm thảm thêu hình gia đình mà trong lúc tức giận với mẹ, Merida đã chém đứt đôi.

Khi ta hiểu để mà thương

Một người bạn từng hỏi mình kinh nghiệm đối phó với những áp lực đến từ gia đình. Bạn chỉ muốn có khoảng thời gian bình yên bên người thân mà mỗi khi về nhà lại cảm thấy rất áp lực. Lúc đó mình đã gửi cho bạn một số bài viết của mình về chủ đề này, những gì mình đã trải qua, chiêm nghiệm và đúc rút ra thành câu chữ. Tuy nhiên, mình biết là “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, trải nghiệm của mỗi người là bài học của chính họ. Với người khác, những bài viết đó cũng chỉ có giá trị tham khảo và giúp xoa dịu, an ủi tinh thần họ một chút.

Những áp lực của mình đến từ sự so sánh và kỳ vọng của bố mẹ, đây cũng là đặc điểm chung của những ông bố bà mẹ châu Á. Mặc dù bố mẹ ít khi nói thẳng, cũng không thể hiện quá gay gắt nhưng mình biết bố mẹ mình có kỳ vọng nhiều ở con cái. Đa số các phụ huynh đều kỳ vọng con cái mình sẽ học hành giỏi giang, tốt nghiệp bằng đẹp, ra trường có công việc tốt, thăng tiến trong sự nghiệp, kết hôn, sinh con, mua nhà, mua xe, sống một đời hạnh phúc viên mãn. Đó là kịch bản cuộc đời hoàn hảo của bất kỳ con người nào nhưng nó không thực tế. Nếu cuộc đời ai cũng đi theo một cái kịch bản như vậy thì thế giới này quá hoàn mỹ, câu “mỗi nhà mỗi cảnh” trở thành vô nghĩa.

Ngay cả cha mẹ cũng không thể sống cuộc đời họ muốn, vì thế họ đặt kỳ vọng vào con cái với tinh thần “hy sinh đời bố để củng cố đời con”, “con hơn cha là nhà có phúc”. Tất nhiên đó là mong muốn chính đáng thôi, bản thân những đứa con cũng mong như vậy. Nhưng có phải lúc nào cuộc đời cũng vận hành theo đúng ý mình không? Sông có khúc, người có lúc, lúc lên voi, lúc xuống chó là chuyện thường tình ở đời. Những đứa con phải gánh vác gấp đôi kỳ vọng, một bên là kỳ vọng của cha mẹ, một bên là kỳ vọng của chính bản thân mình. Điều đó trở thành áp lực khi một mặt họ chưa đạt được những điều mình mong muốn, mặt khác phải lo sống theo ý người khác, phải nghĩ đến thể diện mặt mũi của bố mẹ.

Nhưng thay vì trách móc, chúng ta nên cố gắng hiểu cho bố mẹ. Bố mẹ chỉ có thể dạy ta những gì họ biết, mà những điều đó lại xuất phát từ ông bà và những thế hệ trước nữa và không phải quan điểm nào cũng còn phù hợp với thời đại. Như thời ông bà, bố mẹ, được học hành, có công ăn việc làm ổn định là mơ ước của nhiều người. Đến thời của chúng ta, thị trường lao động trở nên sôi động hơn, nhiều cơ hội, ngành nghề mới xuất hiện và có nhiều hình thức làm việc khác nhau. Thế nhưng trong mắt thế hệ trước, “freelancer” không được coi là một nghề, không đến công sở làm việc đồng nghĩa với “lông bông”, vô công rồi nghề.

Thế nhưng, dù bố mẹ có làm gì, thái độ ra sao thì bản năng của người làm cha mẹ cũng chỉ muốn con được an toàn và hơn nữa là sống cuộc đời bình yên, hạnh phúc. Dù con bao nhiêu tuổi thì cái bản năng lo lắng, bao bọc cũng không kết thúc. Ở tuổi xế chiều, lẽ ra bố mẹ nên nghĩ đến việc an hưởng tuổi già sau một đời vất vả thì lại mong sớm có cháu bế để tranh thủ lúc còn khỏe đỡ đần con cái. Nhiều bà mẹ già vẫn lọ mọ vào bếp nấu cơm cho những đứa con đã lớn tướng, chỉ vì họ muốn được tự tay chăm sóc gia đình, con cái. Sự lo lắng của bố mẹ sẽ không bao giờ chấm dứt nên dù con có đạt được cái này, làm được cái kia thì bố mẹ vẫn sẽ tiếp tục nghĩ ra cái để lo thôi.

Những rạn nứt trong gia đình bắt đầu xảy đến khi cách hành xử của người này không khớp với kỳ vọng của người kia. Chẳng hạn, khi con cái thất bại, thảm hại trở về nhà thì cái chúng cần là sự an ủi, động viên tinh thần từ gia đình. Chúng không cần bố mẹ phải giải quyết vấn đề hộ mình, cũng không có nhu cầu phải nghe thêm những lời cằn nhằn, trách móc. Cuộc đời ngoài kia đã quá khắc nghiệt với chúng rồi. Vậy nên, nếu không thể hiểu và động viên chúng vài câu thì bố mẹ cứ để mặc chúng tự bơi cũng được, hơn là chất thêm lên vai chúng những áp lực. Nhưng cũng nên cảm thông cho nhau bởi chúng ta không phải là những chuyên gia tâm lý, khi mà ai cũng đang mải lo chuyện đời thì đâu phải lúc nào cũng có thể dịu dàng với nhau.

Còn nếu nhìn vấn đề theo một góc độ khác, ta sẽ thấy thật may mắn nhường nào khi còn bố mẹ lo lắng cho mình, đó là điều mà nhiều người mơ cũng chẳng được. Mặc kệ mình là điều mà người ngoài xã hội vẫn thường làm, chỉ có người thân mới nghĩ đến chuyện giúp mình giải quyết vấn đề. Điều đó hoàn toàn xuất phát từ tình thương. Thật dễ dàng khi bực bội, trách móc, gào lên rằng sao bố mẹ chẳng hiểu mình. Nhưng khi hiểu lòng bố mẹ, ta bật khóc vì thương bố mẹ, cảm thấy bất lực khi đến việc sống tốt cuộc đời mình mà cũng chưa làm được.

Đối với nhiều người phụ nữ thì việc có con là điều tuyệt vời nhất cuộc đời họ. Dù hôn nhân có thế nào, người chồng ra làm sao thì họ vẫn cho rằng mình “lãi” khi có mấy đứa con. Đây là điều mà mình từng nghe một số người phụ nữ chia sẻ, từ những người mình quen biết đến những người nổi tiếng từng trải qua hôn nhân đổ vỡ. Dù họ từng hối hận về lựa chọn trong quá khứ thế nào thì cũng không hối hận về việc có con.

Trong phim The Boy and the Heron của đạo diễn Hayao Miyazaki, cậu bé mồ côi mẹ Mahito đi vào tòa tháp bí ẩn trong rừng và gặp lại phiên bản thời trẻ của người mẹ quá cố của mình, Himi – một phù thủy đã giúp Mahito thoát khỏi tòa tháp. Chủ của tòa tháp ma thuật là cụ cố của Mahito, ông cho cậu xem những hình khối giữ sự cân bằng và viên đá chứa sức mạnh của ông. Ông muốn cậu là người thừa kế vị trí chủ nhân tòa tháp, vì cậu là con cháu và không ác tâm. Tuy nhiên Mahito từ chối và muốn trở về nhà. Đúng lúc đó, vua vẹt muốn cướp quyền lực của ông cụ cố nên đã phá hủy những hình khối và viên đá khiến thế giới trong tòa tháp sụp đổ. Mahito, Himi chạy thoát ra đến cánh cửa, Mahito muốn Himi về nhà cùng mình nhưng cô từ chối vì phải về quá khứ để còn sinh ra cậu. Điều đó có nghĩa là cô sẽ phải chết trong trận hỏa hoạn ở bệnh viện. Nhưng Himi đã nói: “Có sao đâu. Sinh ra Mahito chẳng phải là một điều tuyệt vời đó thôi.”

Thương thân đã, trách nhiệm sau

Cha mẹ hy sinh vì con cái, con cái có bổn phận hiếu thảo với cha mẹ, nhưng trước khi làm được điều đó thì ai cũng phải sống tốt cuộc đời của mình trước đã. Nếu chỉ sống vì người khác thì không ai thật sự sống cuộc đời của mình cả. Khi đi máy bay, chúng ta thường được hướng dẫn rằng khi có sự cố xảy ta thì người lớn phải tự mặc áo phao và đeo bình dưỡng khí cho mình trước, rồi sau đó mới mặc cho trẻ em. Bạn mình làm bên ngành bảo hiểm cũng chia sẻ nguyên tắc của việc mua các gói bảo hiểm là phải bảo vệ người trụ cột gia đình trước, nhưng nhiều người lại làm ngược lại, mua bảo hiểm cho con nhưng lại không mua cho chính mình.

Cứ cho rằng ta muốn báo hiếu cha mẹ, vậy thì thử đặt một câu hỏi nhỏ là hiện tại ta đã lo được cho bản thân mình chưa? Ốc còn không mang nổi mình ốc thì đòi lo được cho ai? Sở dĩ ta dễ bị tổn thương bởi lời của người khác là bởi họ chạm đúng nỗi đau sẵn có bên trong mình. Như việc con cái thấy đau khi bố mẹ hỏi chuyện công việc, kết hôn. Ai cũng muốn đời mình suôn sẻ, thành công, hạnh phúc. Chẳng ai muốn đóng vai kẻ bất hạnh, chật vật lê lết đi qua kiếp người cả.

Đôi khi ta cũng phải chấp nhận rằng mình mệt mỏi, yếu đuối và thất bại. Mình từng nghĩ rằng một người trưởng thành là phải hoàn toàn tự lo cho bản thân và không có nơi nào để tựa vào cả. Tuy nhiên, điều này không hoàn toàn đúng. Sau đó mình đã nhận ra mỗi khi cần một nơi nương náu thì cứ nhà mà về, cần một điểm tựa thì cứ người thân mà dựa. Bố mẹ có thể càm ràm, mắng mỏ vài câu nhưng vẫn thương và lo cho mình thôi, chẳng ai có thể bỏ mặc con cái, nhất là khi chúng đang bất ổn. Điều mình cần làm chỉ là bỏ bớt lòng tự trọng của mình xuống, chấp nhận làm một đứa trẻ vô tri, vô tri hưởng thái bình.

Có câu “Sống không vì mình thì Trời tru đất diệt”, đó không phải là thái độ sống ích kỷ, chỉ biết nghĩ đến bản thân mà mỗi người đều phải sống cuộc đời của mình, vì bản thân mình trước. Bởi rõ ràng là mình phải sống tốt thì mới có thể nghĩ đến trách nhiệm với người khác. Ngược lại, nếu bản thân sống chưa tốt thì còn có thể trở thành gánh nặng, làm phiền hà đến người khác. Ta là con của bố mẹ, là một phần của xã hội, nhưng ta cũng là một con người độc lập với hành trình riêng và những bài học riêng. Những rạn nứt trong mối quan hệ gia đình, hãy cố gắng hiểu để mà thương.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết tâm đắc hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started