Chúng ta rồi sẽ ổn thôi

Kể từ sau Tết, mình có thói quen quan sát thời tiết. Có những ngày thức dậy mở cửa là thấy trời đã bừng nắng, nhưng đa số là những ngày âm u và mưa giông. Trước hôm mình chuyển về quê một ngày, Hà Nội bỗng dưng nắng đẹp nên mình thấy cũng phấn khởi, coi đó là “điềm lành”. Nhưng đúng cái hôm mình về thì buổi tối trời bỗng nổi cơn giông, sấm chớp đùng đoàng, mưa như trút nước. Thôi, nắng mưa là chuyện của trời, thời tiết ảnh hưởng đến dân cư của cả một khu vực chứ đâu có liên hệ gì đến vận mệnh của bất kỳ ai. Nhưng ở một góc độ nào đó, mình có liên hệ cái thời tiết ảm đạm này với nền kinh tế. Năm ngoái kinh tế suy thoái, mọi thứ đã khó khăn rồi, năm nay không ngờ còn khó khăn hơn.

Người đi kẻ ở đều áp lực

Bạn mình kể rằng bạn từng gửi CV đến hàng trăm công ty, cả tháng mòn gót đi phỏng vấn. Có những nơi từ chối bạn đã đành, HR còn nói những câu đánh giá con người bạn. Đến khi quá chán nản, muốn nhận đại một chỗ thì nhận được offer từ công ty mà bạn đang làm việc bây giờ.

Có một bạn chia sẻ trên YouTube rằng sau 3 tháng career break để nghỉ ngơi và upgrade bản thân, bạn đã gửi CV đi 60 công ty và chỉ 10% trong số đó được set-up phỏng vấn, nhưng có những nơi phỏng vấn xong không nhận được phản hồi nào từ nhà tuyển dụng.

Mình thấy cảm thông cho những người làm việc lâu năm ở một công ty mà không dám nghỉ việc. Bởi tìm việc cũng là một công việc tốn nhiều thời gian, công sức và mệt mỏi. Trong khi ai cũng cần phải mưu sinh, trong đó có nhiều người còn phải nuôi con nhỏ. Lúc mình nghỉ ở công ty cũ, chị đồng nghiệp bảo mình: “Các em còn trẻ nên có thể nghỉ, chứ chị bây giờ mà nghỉ thì không biết tìm việc ở đâu”. Mình đâu còn trẻ trung gì nữa, nhưng dù sao vẫn kém chị đến cả chục tuổi. Đúng là bây giờ tuổi tác cũng là một điểm bất lợi khi tìm việc, nhiều vị trí họ còn ghi rõ giới hạn độ tuổi. Nhiều người còn quan niệm rằng tầm 30 đổ đi thì người ta thường apply vào vị trí quản lý chứ ở vị trí nhân viên thì không cạnh tranh nổi với người trẻ.

Gần đây, mình đọc được chia sẻ của nhiều bạn KOL, phản pháo lại quan điểm của một doanh nhân rằng: “Sau 30 hay 35 tuổi mà còn gửi CV cho người ta xem là thất bại”. Cuộc sống này đã đủ khó khăn rồi, liệu con người có thể bớt toxic với nhau được không? 🙂 Nhiều HR cũng là người đi làm công ăn lương, cũng phải nuôi con nhỏ mà lại tự cho mình cái quyền đi phán xét người khác. Giữa làn sóng layoff này, có chắc họ sẽ không trở thành nạn nhân tiếp theo? Trên 30 hay 35 tuổi đã gặp khó khăn khi tìm công việc mới, trong khi tuổi nghỉ hưu là 55, 60 tuổi. Thị trường lao động thời nay cũng khắc nghiệt nhỉ?

Cũng chính vì nỗi lo cơm áo gạo tiền, sợ nghỉ việc thì sẽ khó tìm công việc mới mà nhiều người phải cố gắng bám trụ công việc hiện tại. Thế nhưng, trong bức tranh kinh tế ảm đạm, nhiều công ty phá sản hoặc cắt giảm nhân sự thì những người ở lại cũng phải chịu cảnh thấp thỏm, bất an và áp lực không nhỏ. Bạn của mình kể rằng công ty bạn mới sa thải 40 người và 8 người ở lại phải gánh toàn bộ khối lượng công việc của 40 người đó. Có hôm mình đến nhà bạn chơi và ngủ lại thì thấy bạn ngồi OT đến tận 1, 2 giờ sáng, không phải vì bạn nhiệt huyết với công việc quá mà vì việc nhiều quá.

Không có con đường nào trải đầy hoa hồng

Lúc mới đi làm, có lần mình nói với đồng nghiệp là: “Nếu đến năm 30 tuổi mà đủ giỏi thì em sẽ làm freelancer”. Không hiểu sao lúc đó mình lại có ý tưởng đó, dù khi ấy ngoài công việc chính ra thì mình chẳng làm gì thêm. Phải 4 năm sau khi đi làm thì mình mới bắt đầu nhận thêm job ngoài. Vậy mà điều mình tuyên bố trước đây đã thành hiện thực. Dù năm nay mình đã qua cái mốc 30 tuổi và vẫn cảm thấy mình chưa đủ giỏi. 🙂

Để đưa ra quyết định này, đối với mình là điều không dễ dàng. Dù làm full-time hay làm freelance thì cũng là kiếm tiền, là mưu sinh, là đóng góp giá trị cho xã hội. Cái khác ở chỗ là làm full-time thì có lương đều đặn hàng tháng, có bảo hiểm và các chế độ. Còn làm freelance thì mình phải chủ động hoàn toàn mọi thứ, từ việc kiếm job, giữ mối quan hệ với khách đến việc quản lý thời gian, công việc, bảo hiểm. Sự bấp bênh và thiếu ổn định là trở ngại mà ai cũng phải đối mặt khi bước chân vào con đường freelance. Freelancer không phải là một nghề, đó chỉ là một hình thức làm việc, còn ai cũng phải có chuyên môn nào đó. Freelance cũng không có nghĩa là tự do mà có thể bạn phải làm nhiều hơn, bận rộn và áp lực hơn, hoàn toàn do bạn sắp xếp. Nhưng có một điều, không có con đường nào an toàn, làm full-time cũng phải đối mặt với nguy cơ bị cắt giảm.

Mình về quê được một tuần, bạn mình hỏi thăm mình có ổn không, mình nói cũng tạm ổn. Bạn lại kể cô bạn cùng phòng mỗi lần đi làm về lại càm ràm than thở về công việc nhưng không thể nghỉ. Gần đây cô bạn ấy có vẻ đã lấy lại tinh thần và bảo đã tìm được động lực để đi làm mỗi ngày, đó là kiếm tiền. Nhưng mỗi khi về phòng bạn lại tiếp tục càu nhàu về những áp lực mà tiền cũng không xoa dịu được. Mình bảo: “Tầm này ai đi làm công sở cũng phải chịu áp lực vậy thôi”. Như mình chọn con đường này cũng chẳng sung sướng gì hơn. Không ai sống dễ dàng cả. Chẳng có con đường nào trải đầy hoa hồng đâu. Chỉ có điều là mình có chấp nhận được cái giá phải trả khi chọn con đường đó hay không.

Giờ mình không còn phải chấm công, không có ai quản lý 24 giờ một ngày của mình. Mình phải học cách sắp xếp mọi thứ, từ việc chọn job nào, sắp xếp thời gian, công việc ra sao. Tránh ôm đồm quá đến lúc không kham nổi, cũng tránh phải ngồi chơi xơi nước không có gì làm. Làm freelance cho mình cơ hội làm với nhiều bên, trải nghiệm nhiều công việc khác nhau và cũng học thêm được những thứ mới mẻ. Rồi cũng phải chừa ra một khoảng thời gian để học hành, nâng cấp bản thân – điều mà ai cũng nên làm dù ở bất cứ ngành nghề hay hình thức làm việc nào. Và quan trọng nhất là phải dành thời gian chăm sóc bản thân, ăn uống, vận động, thư giãn, chứ không phải suốt ngày cắm mặt vào máy tính. Mình vẫn đang học cách sắp xếp mọi thứ. Mong rằng khi mọi thứ vào guồng thì sẽ vận hành trơn tru hơn.

Từ lúc về nhà, cả thể chất và tinh thần mình đều ổn hơn nhiều, mình không còn bị mất ngủ, mức độ lo âu, căng thẳng đã giảm. Về nhà ăn cơm mẹ nấu ngày hai bữa, quần áo mặc cả ngày. Mình có thể xen kẽ giữa công việc và vận động tay chân. Ngồi lâu đau lưng, mỏi mắt thì có thể lên giường nằm nghỉ, ngồi thiền, hoặc ra sân ngắm vườn hoa của mẹ. Đói bụng thì xuống bếp luôn có sẵn đồ ăn. Sau này chưa biết ra sao nhưng hiện tại mình thích cuộc sống này. 😊

Chúng ta sẽ ổn thôi, vì khả năng thích nghi của con người là vô hạn

Dạo gần đây mình có trò chuyện với một vài người quen. Trong tình hình khó khăn chung, nhiều em lứa gen Z trẻ trung, ưu tú nhưng cũng đang loay hoay tìm bến đỗ. Mình luôn học được ở giới trẻ nhiều điều, đặc biệt là sự năng động, tự tin và growth mindset. Các em ấy không ngại công khai mình đang tìm việc, đăng CV & portfolio lên mạng xã hội với mong muốn tìm được nơi phù hợp. Các em ấy cũng không ngại chia sẻ về những lần bị từ chối, dù khó khăn nhưng vẫn giữ được tinh thần lạc quan.

Mình mới nhận ra, thứ mình cần chữa lành chính là tư duy của mình. Thay vì chăm chăm tìm job để cày thì mình cần tìm cách để bản thân bớt căng thẳng và lo âu trước đã. Một người lúc nào cũng bất an thì dù ôm được bao nhiêu job, cày được bao nhiêu tiền thì họ vẫn thấy không yên tâm.

Cuối cùng thì, công việc dẫu quan trọng cũng chỉ là một phần của cuộc đời. Chúng ta làm việc để sống chứ không phải sống chỉ để làm việc. Chúng ta còn những bài học khác cần phải học. Chúng ta sống còn là để yêu thương, quan tâm đến những người quan trọng với mình. Dù bây giờ bạn đang phải trải qua khó khăn thế nào thì hãy đặt niềm tin vào bản thân. Bài viết này để tự động viên chính bản thân mình và cả những ai đang loay hoay với cuộc đời mình. Chúng ta rồi sẽ ổn thôi, vì khả năng thích nghi của con người là vô hạn.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết tâm đắc hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started