Death’s Game – Sống một cuộc đời trong sợ hãi thì đâu thể gọi là sống

Không thể nói mình đang sống khi bản thân có quá nhiều nỗi sợ. Con người hạnh phúc nhất khi được sống là chính mình và tin tưởng vào bản thân mình.

Death’s Game (Trò chơi tử thần) kể câu chuyện về Choi Yi Jae (Seo In Guk), một anh chàng xui rủi với chuỗi thất bại liên hoàn, thất nghiệp suốt 7 năm và đã tìm đến cái chết để giải thoát. Anh đã cố thoát khỏi địa ngục trần gian, nhưng sau khi chết anh ta mới biết thế nào là địa ngục thật sự. Anh ta được Thần Chết (Park So Dam) cho tái sinh 12 lần trong thân phận của 12 người sắp chết, như hình phạt cho tội “Anh đã tìm đến tôi trước khi tôi tìm đến anh.” Thử thách của anh ta là phải tìm cách sống sót trong những kiếp sống đó và không được tự tử hay giết người. Nếu thất bại trong cả 12 thử thách, anh ta sẽ phải xuống địa ngục.

Con người có thể chết vì lý do gì?

Yi Jae đã tái sinh vào nhiều kiếp sống với những thân phận, độ tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Khi thì là con trai nhà tài phiệt, lúc lại là kẻ vô gia cư, khi thì là kẻ vào tù ra tội, lúc lại là cảnh sát, khi thì là người đàn ông trung niên, lúc lại là em bé mới vài tháng tuổi.

Ở mỗi kiếp sống, Yi Jae lại phải đối mặt với những khó khăn khác nhau, không có cuộc đời nào là hoàn hảo. Ở kiếp là con trai tài phiệt thì anh phải đối mặt với cảnh anh em tương tàn và gặp tai nạn máy bay. Ở kiếp nam sinh thì anh bị bạn học bắt nạt, anh đã dùng kế đáp trả nhưng vẫn chết vì bị bạn học trả thù. Ở kiếp người mẫu, tưởng như anh có cuộc sống êm đềm, khi có cả sắc đẹp và tiền bạc, nhưng cuối cùng vẫn bị một chiếc xe điên tông trúng khi đang đứng nói chuyện với bạn trên vỉa hè. Ở kiếp người đàn ông trung niên, tưởng như người đó có mọi thứ mà Yi Jae khao khát, từ một công việc đến một gia đình hạnh phúc. Nhưng mọi thứ đều có thể thay đổi, ở tuổi ngoài 40, ông ta bị sa thải, gia đình cũng tan vỡ khiến ông ta rơi vào tuyệt vọng. Yi Jae lại đối mặt với lựa chọn của mình một lần nữa, đó là tự tử.

Ở những kiếp đầu tiên Yi Jae mất mạng khá sớm. Càng trôi lăn qua nhiều kiếp đời, con người mới thấm những bài học của mình và có vẻ “khôn” ra. Nhưng có vẻ Yi Jae vẫn đề cao cái trí của mình quá mà chưa nhận ra bài học thật sự của mình. Sau mỗi ván “game over”, Yi Jae vẫn cho rằng mình thua vì thiếu khôn ngoan, và rằng mình sẽ rút kinh nghiệm ở ván tiếp theo.

Nhưng game của Thánh Thần chưa bao giờ là dễ, con người khôn ngoan đến mấy cũng không lại với Trời. Nỗi đau cả về thể chất và tinh thần sau mỗi kiếp sống đều được nhân lên, những cái chết cũng đến một cách rất khó lường. Sau nhiều lần thua cuộc vì chưa hiểu rõ luật chơi, Yi Jae còn tức giận cướp súng và bắn vào đầu Thần Chết. Anh ta quên mất rằng: “Lửa không thể bị thiêu rụi, nước không thể bị ướt. Cái chết không thể bị giết chết.” Sự hung hăng của anh ta đã va phải hình tướng ác quỷ của Thần Chết và anh ta hoàn toàn gục ngã khi Thần Chết biến hóa ra hình tướng của cô bạn gái Ji Su. Thánh thần vô hình vô tướng, có thể biến hóa thành mọi thứ để giáo huấn con người. Để rồi Yi Jae đã nhận ra nỗi đau tột cùng của cái chết không phải là bị lửa thiêu hay bị phanh thây.

Tự tử có phải là tội?

Cố ý giết người được coi là một trong những tội lỗi lớn của con người. Tự tử thường được xem là tự giết chính mình. Nhưng còn phải xét đến những yếu tố khác dẫn đến quyết định tự tử của một người. Họ có đang mắc một căn bệnh tâm lý nào không? Họ có bị ngược đãi, bạo hành không? Họ có nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của những người xung quanh không? Bản năng của bất kỳ sinh vật nào cũng là sống sót bằng mọi giá, tự tử có thể là lựa chọn cuối cùng sau những lời kêu cứu vô vọng. Với người mắc bệnh tâm lý, vấn đề của họ là bị giam cầm trong những suy nghĩ sai lầm, tiêu cực trong đầu mà không có ai giúp họ thoát ra.

Còn ở trường hợp của Yi Jae, anh ấy đã quá tuyệt vọng và quyết định bồng bột trong một thời khắc tăm tối của cuộc đời. Chỉ có cô bạn gái Ji Su là thấu hiểu và đồng cảm với anh: “Anh ấy sống quá khó khăn và chẳng có ai để dựa vào cả, vậy nên anh ấy mới rời đi. Dù anh ấy có trở lại dưới thân phận một người khác, thì anh ấy vẫn luôn phải sống trong sợ hãi mà. Sống một cuộc đời trong sợ hãi thì đâu thể gọi là sống.”

Đây chính là chìa khóa để Yi Jae nhận ra thế nào mới là sống một cách đúng nghĩa.

“Không thể nói mình đang sống khi bản thân có quá nhiều nỗi sợ. Những kẻ nhát gan như tôi đã sống một cuộc đời đầy nỗi sợ, nỗi sợ rằng người khác sẽ không công nhận mình. Nỗi sợ bản thân sẽ thua kém và nỗi sợ bị từ chối. Tôi đã đặt dấu chấm cho cuộc đời mình chỉ vì nỗi sợ trước khi cuộc đời nở hoa.”

Con người không nhìn thấy tương lai, không biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước, vì thế họ sợ hãi. Họ nghĩ chết là hết, chết là chấm dứt cuộc đời khó khăn, bất hạnh này mà không tin có thế giới bên kia sau khi chết. Họ không tin vào luân hồi, khi mà ở kiếp sau, độ khó của game sẽ được tăng lên gấp bội nếu không vượt qua thử thách của kiếp này.

Một vòng nhân quả luân hồi

Trong các kiếp sống của mình, Yi Jae tái sinh vào những nhân vật khác nhau nhưng vẫn sống cùng một thời đại, trong cùng một không gian. Hầu hết các nhân vật đều có mối quan hệ dây mơ, rễ má với nhau tạo thành một vòng nhân quả luân hồi. Tất cả những gì con người làm đều ảnh hưởng đến cuộc đời họ và những người liên quan, dù ở kiếp hiện tại hay kiếp sau.

Hầu hết những thử thách trong những kiếp sống mà Yi Jae phải đối mặt đều có liên quan đến Park Tae-woo (Kim Ji-hoon), CEO của Taekang Group, nhưng thật ra là một kẻ sát nhân bệnh hoạn và nghiện thuốc. Đây cũng là đối thủ lớn nhất của Yi Jae qua nhiều kiếp sống.

Nếu luận tội, rõ ràng “tội” tự tử của Yi Jae chưa thấm vào đâu so với những tội lỗi của Park Tae-woo. Trong các kiếp sống, Yi Jae có thể còn tham, sân, si nhưng nó xuất phát từ sự sợ hãi và nỗi ám ảnh vì cuộc sống khó khăn, thiếu thốn. Yi Jae muốn trả thù thì cũng chỉ vì “con giun xéo lắm cũng quằn”. Còn Park Tae-woo không chỉ là kẻ giết người hàng loạt mà còn lợi dụng tiền bạc, địa vị để mua chuộc cả cảnh sát, thao túng những quan chức cấp cao. Trong khi những người dân thường yếu thế cảm thấy bất mãn với luật pháp bất công. Park Tae-woo “ngáo” quyền lực đến nỗi, hắn tự cho mình là thánh thần, trong khi bản thân chỉ là một kẻ tâm thần.

Khi con người không còn tin vào sự công bằng của luật pháp, không biết đến sự phán xét của Thánh Thần, họ tự cho mình cái quyền đi trả thù. “Con người luôn phớt lờ những lời cảnh báo. Kẻ bị trừng phạt lại muốn trừng phạt người khác, điều đó chỉ khiến cho anh phải trả cái giá đắt hơn thôi.” – đó chính là lời nhắc nhở của Thần Chết.

Thần Chết đã cho Yi Jae thấy, Thánh Thần có thể can thiệp vào “muôn kiếp nhân sinh” của con người như thế nào. Con người làm sao có thể đấu thắng được Thần. Thánh Thần dù ở cấp bậc nào thì vẫn vượt xa trí tuệ của con người, dù là người thông minh nhất Trái Đất. “Trên đời không có gì là đương nhiên cả. Chỉ là anh coi mọi thứ thời gian qua là đương nhiên mà thôi. Anh không quan tâm sự sống và lựa chọn cái chết một cách dễ dàng. Nhưng đứa bé đó thậm chí còn không được lựa chọn.”

Con người không thể chọn cha mẹ hay hoàn cảnh mình được sinh ra. Dù được sinh ra lành lặn hay khuyết tật, dù giàu nứt đố đổ vách hay là kẻ khố rách áo ôm cũng đều là sự an bài của Thần. Con người, dù bao nhiêu tuổi thì cũng chỉ là những đứa trẻ nhỏ xíu, bé tí trong lòng bàn tay của Thần.

Sự tái sinh của Yi Jae trong 12 kiếp sống khác nhau không phải là trò chơi của Thần Chết, cũng không phải là thử thách của một mình anh ta. Đây chính là bài học, là giáo huấn của Thần dành cho những kẻ có tội. Yi Jae liên tục trở lại với những thân phận khác và cho những kẻ có tội thấy và tin vào thế giới siêu hình, rằng chết chưa phải là hết, con người có nhiều hơn một cái mạng. Con người nực cười ở chỗ, không sợ giết người, không sợ phạm tội, không sợ Thượng Đế hay Thánh Thần trừng phạt, nhưng lại sợ… ma.

Chừng nào con người chưa nhận ra tội lỗi của mình, chưa biết ăn năn hối cải thì sự trừng phạt vẫn chưa kết thúc. Sự trừng phạt thật sự là khi con người phải sống trong tột cùng sợ hãi, hoặc đau đớn, dằn vặt. Đây không phải là sự trừng phạt của Thần mà tội lỗi của người nào sẽ quay trở lại với chính người đó, đây là nhân quả trong luân hồi.

Khi bạn chết thì ai sẽ quan tâm?

Ở kiếp sống là vận động viên thể thao mạo hiểm, nhân vật chính tham gia thử thách nhảy từ trên cao xuống mà không có dù, nếu thành công anh ta sẽ nhận được 3 tỷ won từ nhà tài trợ. Cuối cùng, anh ta tiếp đất bằng đầu. Tất cả được truyền hình trực tiếp và những gì nhân viên nhà đài quan tâm chỉ là rating chạm mốc 30% và họ reo hò, hú hét vì được thưởng một chuyến đi du lịch. Còn khán giả theo dõi chương trình, họ kinh hãi, họ thờ ơ hoặc cười vào mặt kẻ ngu ngốc bán rẻ tính mạng.

Yi Jae từng cho rằng mình sống vô nghĩa mà không biết bản thân anh có ý nghĩa thế nào với mẹ và bạn gái, những người thương yêu anh. Chính anh đã động viên cô ấy theo đuổi ước mơ. Chỉ cần bạn có tồn tại trên đời, tức là bạn có ý nghĩa với cuộc đời của ai đó.

Lần đầu tiên Yi Jae nhận ra, chết không đáng sợ bằng mất đi người mình thương yêu. “Những ngày bình yên khi tôi và Ji Su cùng nắm tay, chỉ những khoảnh khắc đó thôi cũng là lý do quá đủ để tiếp tục.” Nhưng phải đến khi chết đi, Yi Jae mới nhận ra điều đó, như lời Thần Chết nói: “Con người luôn đấu tranh để sống chỉ sau khi họ chết. Sao lúc sống không làm như vậy đi?”

Yi Jae đã nghĩ mình biết rất rõ về mẹ, nhưng thật ra anh chẳng biết gì cả. “Mẹ cũng từng đi qua đường hầm sâu thẳm và tối tăm như tôi. Nhưng mẹ chưa bao giờ từ bỏ.”

Yi Jae lần đầu tiên nhận ra nỗi đau tột cùng của người mẹ. Khi con chết, bố mẹ chỉ có thể tự trách mình đã không bảo vệ được con, không đủ quan tâm đến con, không thể cho con một cuộc sống tốt hơn, và rồi họ sẽ sống cả phần đời còn lại trong dằn vặt, khổ đau.

Số tiền mà Yi Jae gửi về cho mẹ lại trở thành mối họa từ trên trời rơi xuống với người mẹ khốn khổ. “Tôi cảm thấy đó như sự trừng phạt mà ông Trời giáng xuống vậy. Sự trừng phạt vì tôi đã không bảo vệ được đứa con trai duy nhất. Số tiền đó không thể đổi lấy con trai tôi.”

Nếu cuộc sống này khó khăn quá, vậy bạn có thể làm gì?

Yi Jae đã trôi lăn qua 12 kiếp đời chỉ để nhận ra bài học lớn nhất của mình. Thánh thần chưa cần trừng phạt thì con người đã vì tham sân si mà sát phạt lẫn nhau. Hận thù không thể hóa giải bằng trả thù, bạo lực không thể bị khắc chế bằng bạo lực. Dù đấu trí hay đấu sức thì con người đều sứt đầu mẻ trán và thậm chí chết chẳng toàn thây.

Trong những kiếp sống đầu tiên sau khi tái sinh, Yi Jae thua cuộc nhanh chóng. Sự thiếu trải nghiệm và bị cuốn theo tham, sân, si khiến con người chết nhanh hơn. Và rồi, “tên ích kỷ đến nỗi không bao giờ có thể nghĩ đến nỗi đau của người khác” như Yi Jae cũng đã dần được thức tỉnh nhờ những ký ức về những người anh yêu thương. Chỉ tình thương mới có thể thức tỉnh nhân tính và tội lỗi của con người.

Từ những cái chết vô nghĩa, Yi Jae đã biết hy sinh bản thân mình vì người khác, biết trả thù bằng luật pháp và khiến sự hy sinh của mình trở nên oanh liệt trong kiếp sống cảnh sát.

Nhưng sau tất cả những vẻ vang, tự hào đó thì “Anh là ai?”

Con người chỉ hạnh phúc khi được sống là chính mình. Khi họ không hạnh phúc, thì bất cứ nơi nào cũng là địa ngục.

Yi Jae đã vô tình nhận ra khi anh ngừng tranh đấu là lúc anh có cửa để vượt qua thử thách của Thần và biết cúi đầu xin một cơ hội được sống là chính mình.

Chỉ khi chết tôi mới biết rằng cuộc sống là một cơ hội. Và tất cả những gì tôi cho là nỗi đau của cuộc sống, chỉ là một phần của cuộc đời. Một ngày trong lành, một ngày mưa bão, một ngày giông gió. Tất cả những ngày đó ghép lại thành một cuộc đời.”

Death’s Game có câu chuyện hấp dẫn, nội dung nhân văn về ý nghĩa của sự sống và cái chết, cùng diễn xuất của dàn diễn viên thực lực. Một chi tiết thú vị bên lề là tên nhân vật chính “Yi Jae” cũng đồng âm với từ “hiện tại” trong tiếng Hàn như nhắc nhở con người biết sống trong hiện tại và trân trọng những gì mình đang có. Phim thuộc thể loại kỳ ảo, pha trộn nhiều yếu tố, từ tình cảm, lãng mạn đến hành động, giật gân. Tuy nhiên với góc quay phù hợp, những tình tiết bạo lực, man rợ không quá gây ám ảnh về phần nhìn.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết chất lượng hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started