Trò chuyện với vị giáo sư ngôn ngữ 90 tuổi và những bài học

Hôm đó mình được một chị bạn rủ tham gia ghi hình cho chương trình Sách hay thay đổi cuộc đời trên đài VTV. Địa điểm ghi hình là nhà tác giả sách, GS. TS Kiều Thu Hoạch, một chuyên gia nghiên cứu về Hán Nôm. Cuốn sách được giới thiệu hôm đó là Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm, một công trình nghiên cứu cực kỳ công phu và quý báu dành cho giới học thuật hay bất kỳ ai quan tâm đến văn học, ngôn ngữ. Cuốn sách này mới giành Hạng B Giải Sách Quốc gia. Hôm đó mình đến sớm nên có chút thời gian trò chuyện với tác giả trong lúc chờ êkíp đến.

Mình từng học môn Hán Nôm ở trường đại học nhưng cũng chỉ như cưỡi ngựa xem hoa, không được chuyên sâu như các bạn theo bộ môn này. Ông bảo nhiều người nghiên cứu về văn thơ Nôm nhưng không đọc được chữ Nôm mà chỉ đọc qua văn bản chữ Quốc ngữ, thành ra có nhiều câu chữ bị hiểu sai. Trong lúc trò chuyện với mình, ông chỉ từng câu thơ Nôm đọc một cách rành rọt khiến mình không khỏi trầm trồ.

Công trình nghiên cứu của ông làm rõ một số bài thơ và câu thơ thường bị nhầm lẫn giữa hai danh tác Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai tác gia đều sống ở thời kỳ trung đại, làm cùng một thể thơ nên dễ bị nhầm lẫn. Cụ Nguyễn Trãi còn từng chịu án oan Lệ Chi Viên nên thơ văn của ông từng bị tiêu hủy và thất lạc nhiều. Mãi sau này khi được rửa oan, các tác phẩm của Nguyễn Trãi mới được tìm kiếm và phục hồi. Điểm đặc biệt là nửa sau cuốn sách có trích nguyên văn nhiều tác phẩm của Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm bản khắc gỗ thời Tự Đức và bản chép tay thể chữ thảo. Chữ đẹp như rồng bay phượng múa nhưng nếu đọc không quen sẽ không đọc được. Đây đều là những tài liệu quý mà tác giả Kiều Thu Hoạch đã dày công khảo cứu và chọn lọc để đưa vào sách.

Tóm lại, đây là một công trình nghiên cứu đồ sộ và đậm chất học thuật nhưng vẫn dễ theo dõi, từ nội dung đến cách trình bày. Được biết GS. TS Kiều Thu Hoạch tập trung làm cuốn sách này trong 3 năm nhưng nguồn vốn và chất liệu để tạo nên cuốn sách được ông ấp ủ trong suốt hàng chục năm làm nghiên cứu. Trong quá trình biên soạn cuốn sách, ông được con trai, vốn là một nhà báo kỳ cựu đã giúp tìm kiếm và sưu tầm những nguồn tài liệu tham khảo.

Sau khi ghi hình ở phòng khách tầng 1, mình được theo chân giáo sư và êkíp tham quan phòng làm việc của ông trên tầng 3. Căn phòng thoang thoảng hương trầm, chiếm phần lớn diện tích căn phòng là cả một giá sách lớn, như một thư viện thu nhỏ. Chiếc bàn làm việc của ông kê cạnh cửa sổ, trên bàn làm việc và xung quan chỗ ngồi cũng xếp đầy những chồng sách, trong số đó, có nhiều cuốn sách cổ và quý hiếm. Mình trầm trồ, đây đúng là cả gia tài với người làm nghiên cứu.

Trên đường về, mình cảm thấy như vừa mới “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” vậy. Mình thích quan sát và chiêm nghiệm. Với mình, cuộc đời như một trường học lớn và mỗi trải nghiệm là một bài học. Hôm đó mình đã có cơ hội học hỏi và được truyền cảm hứng từ giáo sư rất nhiều.

Tuổi già không có gì đáng sợ

Mình thấy trong nhiều nền văn hóa, hỏi tuổi của người khác là điều cấm kỵ, được xem là bất lịch sự. Ai cũng muốn được khen trẻ đẹp, chẳng ai muốn bản thân già đi cả. Nhưng con người nào thắng nổi thời gian, tuổi tác là thứ hiển nhiên được cộng thêm theo năm tháng thôi mà. Có lẽ tầm ngoài 30, nhắc đến tuổi tác ai cũng muốn né tránh vì thấy mình già quá. Nhưng khi đã sống đến ngoài 70 tuổi thì mỗi con số được cộng thêm lại là cái may vì chứng tỏ mình sống thọ. Thế nhưng, tuổi già cũng mang theo những áp lực về sức khỏe, khi mắt mờ, chân chậm, chẳng thể sung sức như hồi còn thanh niên.

Khi trò chuyện với GS. TS Kiều Thu Hoạch, mình bất ngờ khi biết ông năm nay đã 90 tuổi, bởi ông vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, làm việc hăng say. Ông về hưu đã 24 năm rồi nhưng vẫn miệt mài nghiên cứu, viết sách và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Sức khỏe là vốn quý, là phước phần của mỗi người, và đó cũng là kết quả của lối sống. Bí quyết của ông là một lối sống lành mạnh, hướng đến những điều tích cực. Ông từng sống và làm việc tại Trung Quốc 10 năm và có tập luyện bộ môn khí công. Trong suốt cuộc đời của mình, ông say sưa học tập, nghiên cứu về ngôn ngữ. Cả thân thể và tâm trí của ông đều được tập luyện thường xuyên nên vẫn bền bỉ, dẻo dai, bất chấp tuổi tác.

Gặp ông, khối thanh niên phải xấu hổ vì tí tuổi đầu mà cứ hở ra lại than mình già, than cột sống bất ổn. Tuổi tác không có gì đáng sợ khi ta luôn rèn luyện, giữ gìn để có một thân thể khỏe mạnh, tâm trí minh mẫn và sống cuộc đời chất lượng.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh

Ngày xưa các cụ có câu: “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” hay “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Ngày nay xu thế có vẻ thay đổi, người ta đề cao những người đa tài, đa nghệ, và kể cả không đa tài thì cũng ít ai chỉ làm một công việc. Một người phải biết làm nhiều thứ để thích nghi với sự thay đổi đến chóng mặt và tránh việc bị đào thải. Thế nhưng khi đứng trước quá nhiều lựa chọn, giới trẻ bây giờ dường như lại trở nên hoang mang, không biết đâu mới là công việc phù hợp với thế mạnh của mình. Thành ra việc gì cũng thử một tí, biết một chút nhưng không thật sự xuất sắc trong bất cứ thứ gì.

Ngày xưa người ta không có nhiều lựa chọn nên dễ có được sự tập trung. Con đường sự nghiệp của một người thường là chọn lấy một ngành học, ra trường làm việc trong lĩnh vực ngành nghề đúng chuyên môn và gắn bó gần như cả đời với ngành đó cho đến tuổi nghỉ hưu. Ngoài ra, việc hướng nghiệp cũng chịu ảnh hưởng từ truyền thống gia đình và cũng là cái duyên.

GS. TS Kiều Thu Hoạch được tiếp xúc với chữ Nho từ bé, thời ấy gia đình muốn ông học chữ để theo nghề bốc thuốc. Từ đó mà ông bén duyên với con đường học thuật, nghiên cứu ngôn ngữ và thành công rực rỡ, đạt nhiều thành tựu trong sự nghiệp của mình. Để trở thành chuyên gia trong lĩnh vực nào đó, một người phải dành phần lớn thời gian và sự tập trung cao độ. Hán văn cổ và chữ Nôm rất khó học, thực tế có nhiều chuyên gia nghiên cứu văn thơ Nôm nhưng lại không rành chữ Nôm. Mình có hỏi giáo sư bí quyết để có thể thành thạo chữ Hán, Nôm như vậy. Ông bảo không có bí quyết gì ngoài sự cần cù, chuyên tâm học hỏi, làm việc trong suốt nhiều năm.

Một người trẻ bây giờ dẫu xác định được đam mê của mình cũng chưa chắc có thể theo đuổi được đến cùng vì thiếu đi sự cần cù, chuyên tâm và kiên nhẫn đến khi thành công. Bên cạnh đó, họ phải chịu nhiều áp lực, từ áp lực tài chính, áp lực đồng trang lứa, áp lực phải thành công nhanh vì “chưa giàu bố mẹ đã già”. Những áp lực đó có thể khiến họ mất tập trung và không thể phát huy hết khả năng của mình.

Cuốn sách của giáo sư rất giàu giá trị học thuật nhưng lại ít giá trị thương mại, sách được in với một số lượng hạn chế và được xếp vào hàng sách khó bán. Một người trẻ tuổi, mấy ai có thể cần mẫn nghiên cứu chữ Nôm suốt mấy chục năm trời để cho ra được một công trình nghiên cứu như thế?

Hôm đó, mình có quan sát cả giáo sư và các anh chị bên đài. Họ không còn trẻ nhưng họ vẫn hăng say lao động, chuyên tâm với công việc của mình. Mình thấy họ có vẻ rất thoải mái với công việc họ đang làm và không thấy gợn chút áp lực nào trên nét mặt của họ. Điều đó khiến mình suy ngẫm, với những người trẻ, phải làm thế nào để chọn đúng việc và có được sự tập trung như thế?


Trên đường về mình cứ miên man suy nghĩ về cuộc gặp gỡ và buổi nói chuyện với giáo sư hôm đó. Cho đến khi chương trình lên sóng, mình mới viết lại trải nghiệm của mình và chia sẻ lên blog. Đây là lần đầu tiên mình được lên tivi, nên cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Mình không ngờ là buổi đi quay hôm đó mang đến cho mình nhiều suy nghĩ và cảm xúc đến thế.

Xem chương trình Sách hay thay đổi cuộc đời số giới thiệu cuốn Thơ Nôm Nguyễn Trãi và Nguyễn Bỉnh Khiêm.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết tâm đắc hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started