Chữa lành bản thân là quay về kết nối với gia đình

Sau lễ tang bà nội, mình về nhà vài hôm, dù sao cũng chưa đi làm fulltime ở đâu, ở nhà có bố mẹ, em trai và em Xu, lòng mình cũng bớt quạnh quẽ hơn.

Ngay sau khi trở về từ nhà bà, mẹ mình lại tiếp tục bài ca: “Lần này xuống tìm công việc nào đó mà làm nhé! Không làm tự do nữa. Lương ít thôi cũng được nhưng quan trọng là được đóng bảo hiểm, người ta có chính sách bảo vệ người lao động”.

Bị đụng chạm đến đúng vấn đề khiến mình đau đầu mấy ngày qua, nội tâm mình kiểu: “Vừa về được một ngày mẹ lại bắt đầu”, rồi mình bật phản ứng vừa chống trả vừa bỏ chạy: “Con biết rồi, mẹ nói nhiều thế nhỉ?”

Mẹ lập tức quát: “Tiên sư bố nhà mày, có mẹ nói cho mà nghe là còn phúc, đến lúc mẹ mất thì muốn nghe cũng chẳng được đâu”. Xong mẹ mắng một tràng, nhưng là mắng yêu chứ không phải chì chiết.

Mình giật mình. Vài năm trước có lần mình nói với mẹ: “Nếu con hư mẹ cứ mắng con đi, mẹ mắng con như ngày xưa ấy. Sao giờ mẹ không mắng con nữa?” Mẹ chỉ bảo: “Tao chẳng nói nữa, chúng mày lớn rồi”. Hồi bé mình thường bị mẹ mắng rồi thi thoảng lại ăn đòn, giờ chẳng mấy khi bị mẹ mắng và không bao giờ được ăn đòn nữa, tự nhiên lại thấy…thiếu thiếu, thấy “thèm đòn” ghê.

Hôm ấy khi mình bước vào phòng, thấy mẹ đang ngồi bấm điện thoại, mình định vớ lấy cái ipad đọc tiếp nhưng chẳng hiểu động cơ nào cứ thôi thúc mình bóp vai cho mẹ. Xong mình bắt đầu hỏi han: “Mẹ có mỏi không mẹ?” Mấy hôm đáng tang mẹ toàn thức khuya dậy sớm, đêm nằm ngủ ngay bên linh cữu bà, xong xuôi lại dọn dẹp rồi mới về, không mệt mỏi sao được. Mẹ bảo: “Mỏi! Mày đấm lưng cho mẹ tí”. Mình hơi hồi hộp. Dạo gần đây mình có tự massage để làm dịu những cơn đau trên cơ thể. Lần đầu tiên mình nhận ra bàn tay mình lại ấm và mềm như vậy. Đôi bàn tay nhỏ bé, trói gà không chặt mà ngày xưa mẹ hay cầm nắm rồi bảo: “Tay này là tay cầm bút, không phải tay cầm cuốc cầm cày”. Nhưng massage cho người khác thì mình chưa làm bao giờ. Mình cứ xoa bóp lưng cho mẹ theo bản năng, chính mình cũng ngỡ ngàng, sao mình có thể làm các động tác mềm mại và thuần thục như thế?

Mình vừa xoa bóp lưng cho mẹ, vừa trò chuyện. “Ngày xưa bọn con cũng hay bóp lưng cho mẹ nhỉ? Xong hồi ấy hay đánh cảm cho mẹ bằng gừng với tóc rối. Giờ mẹ còn đau lưng nhiều không?”

Mặc dù không muốn nhắc đến chuyện công việc, vì chính bản thân mình cũng đang mệt mỏi và chưa sẵn sàng, nhưng nghĩ cần khiến mẹ yên lòng nên mình mở lời. “Thật ra con cũng định tìm công việc rồi, nhưng tuần trước con vừa bị ốm sốt, đỡ được một tí thì bà mất. Công việc cũ mệt mỏi quá nên con muốn nghỉ ngơi một thời gian. Con vẫn được cấp bảo hiểm y tế theo diện trợ cấp thất nghiệp nên mẹ cứ yên tâm. Chỉ có bảo hiểm xã hội là đang tạm dừng, sau này con sẽ đóng tiếp”.

Mình thấy giọng mẹ run run: “Bố mẹ vất vả nuôi chúng mày ăn học cũng chỉ mong chúng mày có công việc tử tế, không thì sau này mẹ chết chúng mày sống kiểu gì?”

Tự nhiên thấy lòng buồn hiu. Đúng như lời một người em từng nói: “Mẹ chị không cần tiền của chị đâu, chỉ cần chị lo được cho bản thân thôi”.

Mình còn ngồi bóp vai, đấm lưng cho mẹ một lúc rồi trò chuyện linh tinh với mẹ.


Buổi chiều mình sang ông ngoại, ông bà nội ngoại bây giờ chỉ còn mình ông nữa thôi. Mình đẩy cửa vào không thấy ai ở nhà, chỉ có con Miu thấy người là nằm lăn ra. Mình bất giác bắt gặp tấm ảnh cụ ngoại và bà ngoại trên ban thờ, mình vô thức đưa tay lên chắp trước trán rồi cúi đầu nhẹ, như một lời nhắc nhở đến nhà thì phải chào người lớn trước. Mình đi khắp nhà gọi ông nhưng không thấy. Mình tha thẩn chơi trước cổng nhà đợi ông, mấy hôm hàng xóm trông thấy bảo: “Ông mày đang ở ngoài kia kìa”. Mình ra tìm ông rồi hai ông cháu về nhà ngồi trò chuyện.

Ông bị liệt nửa người bên trái nên mắt trái không còn nhìn rõ, tay trái không cầm nắm được nữa, chân thì đi tập tễnh, nhưng may ông vẫn còn minh mẫn và nói chuyện được. Tay trái ông cứ run run lên, mình hỏi: “Ông thấy đau lắm ạ?” Rồi mình ngồi xoa bóp tay, chân cho ông, chạm lên làn da nhăn nheo đầy những vết đồi mồi. Lần đầu tiên cảm nhận đôi bàn tay mình thật là “vi diệu”, những cái chạm mang đến sự kết nối tuyệt vời.

Trước đây mỗi lần mình về thăm ông, câu chuyện chỉ toàn quẩn quanh việc ông giục mình lấy chồng, còn mình thì luôn né tránh. Thành ra mỗi lần sang thăm ông chỉ để cho xong nghĩa vụ chứ mình không hào hứng lắm. Người già có những kỳ vọng mang đậm góc nhìn của thế hệ lên con cháu, một trong số đó là đến tuổi thì lập gia đình. Tháng 9 khi mình về thăm bà, bà vẫn còn nhắc nhở chuyện chồng con với mình. Mình không ngúng nguẩy né tránh nữa mà bảo: “Thế bà kiếm cho cháu một anh đi, bà chấm ai cháu cũng chịu hết”. Hôm nọ thím bảo: “Bà có mỗi cô cháu gái cả là bà thương nhất. Bà đợi mày lâu quá rồi, bây giờ bà không đợi được nữa”.

Lần này, mình không thấy ông ngoại nhắc mình chuyện chồng con, chắc nói mãi chán quá chả buồn nhắc nữa. Mình bắt đầu lân la hỏi chuyện ông, chuyện ngày xưa ông đi bộ đội thế nào, đánh Mỹ ra sao. Ông từ quê lên Yên Bái lập nghiệp thế nào. Ông mình từng tham gia chống Mỹ ở chiến trường Quảng Trị và có Huân chương kháng chiến hạng 3. Mình hỏi ông: “Ông có thương mẹ cháu không?” Không phải tự nhiên mà mình hỏi câu này, tất nhiên là có lý do. Ông có vẻ ngậm ngùi bảo: “Mẹ mày là khổ nhất nhà”. Nghe câu trả lời của ông là mình đủ hiểu rồi.

Mình hỏi ông sao dạo nọ cậu đón lên Lào Cai cho đi châm cứu mà ông lại đòi về. Sau lần ấy ai cũng bảo ông khó chiều, cậu mình thì rất giận. Ông bảo: “Cậu mợ đóng cửa đi làm từ sáng đến tối, ông như bị cầm tù ở trong nhà ấy. Về đây ông còn có hàng xóm, có chỗ đi lại”. Ra là vậy, đúng như Nam Cao từng viết: “Với những người xung quanh ta, nếu không cố mà hiểu họ thì ta sẽ chỉ thấy họ xấu xa, gàn dở, ngu ngốc. Không bao giờ ta thấy họ đáng thương. Không bao giờ ta thương”.

Lúc chuẩn bị về mình có nhét vào túi ông vài đồng để ông thích ăn gì thì mua, rồi bảo: “Ông phải sống thật lâu nhé! Để cháu còn có ông mà về”. Ông bảo: “Cái đấy thì Trời quyết định chứ mình biết sao được”.

Trước đây, vì nhiều lý do mà mình không thoải mái lắm khi về nhà, cũng không thích gặp gỡ họ hàng, chỉ đến vì nghĩa vụ. Việc về quê sống cùng gia đình là điều trước đây mình chưa bao giờ nghĩ tới. Nhưng bây giờ mới nhận ra, gia đình chính là gốc rễ làm nên tính cách, tâm hồn một con người. Chữa lành bản thân là phải quay về kết nối lại với gia đình, hàn gắn những yêu thương đứt gãy. Nếu mối quan hệ với gia đình không yên ổn thì nội tâm không bao giờ thấy bình an. Có những người mình nghĩ rằng cả đời sẽ chẳng thể nào thương họ được, nhưng khi nhìn lại quá khứ bằng con mắt khác, con mắt của từ bi, trí huệ, mình mới được khai mở ra nhiều điều. Điều cốt yếu là mình phải làm điều này để tự gỡ bỏ những xiềng xích trói buộc tâm hồn mình suốt bao nhiêu năm qua.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết chất lượng hơn.

Nếu bạn có nhu cầu hợp tác các dự án viết, biên tập, sản xuất nội dung, mời tham khảo tại đây.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Đọc thêm: Sinh mệnh có điểm dừng còn yêu thương thì không?

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started