Sống thoáng lên cho đầu bớt nặng

Bạn mình có quan điểm tiêu tiền rất hay ho: “Cái gì có thể giải quyết bằng tiền thì dùng tiền giải quyết, để đầu óc mà suy nghĩ việc khác.”

Mình hiểu ý bạn là không phải lúc nào cũng có thể dùng tiền để giải quyết vấn đề, chúng ta cũng chỉ có thể bỏ ra số tiền trong khả năng cho phép thôi. Quan điểm của bạn thực chất không chỉ đề cập đến việc tiêu tiền mà đó là một mindset trong giải quyết vấn đề và là một phong cách sống. Không phải bạn mình có nhiều tiền rồi nên mới có quan điểm như vậy mà lối sống hào phóng là một lựa chọn. Thời điểm mà mấy đứa gặp khó khăn, bạn ấy vẫn có thể mời mình đi ăn, bao vé xem phim với tinh thần “lá rách nhiều đùm lá te tua”. Khi mình đề nghị share bill thì bạn bảo: “Tao sắp giàu rồi. Mười năm trước tao đã tiên tri về điều này.” Có lẽ nhờ lối sống phóng khoáng như vậy nên lúc nào ở bạn cũng tràn đầy năng lượng vui vẻ, tích cực, ít lo âu. Trong một số podcast mình mới nghe, NSND Bạch Tuyết có nói: “Có khi bạn chỉ còn 100 ngàn trong túi nhưng không ai biết bạn nghèo nhưng có những người có cả tỷ trong tài khoản mà trông họ vẫn rẻ tiền.” Vậy nên mình luôn tự nhủ rằng có thể chưa giàu có về tiền bạc nhưng nhất định không được nghèo nàn về tư duy.

Tiền chỉ là phương tiện của cuộc sống

Vốn xuất thân con nhà nghèo và sống xa nhà từ nhỏ, mình từng có thói quen chi tiêu tằn tiện và ám ảnh bởi việc tích trữ. Mình từng cho rằng thiếu tiền là nguyên nhân của mọi vấn đề và tiền thì khó kiếm. Nỗi sợ hãi thiếu thốn càng bị châm ngòi khi trong gia đình từng có người bị bệnh nặng. Mình phần nào được cởi trói tư duy về tiền khi học về tài chính cá nhân và đọc một số cuốn sách về tài chính. Nhưng phải tự mình thực hành thì mới dần thấy được sự thay đổi.

Mấy năm qua, mình thường tiêu tiền với phương châm: cái gì cần thì không tiếc. Chỉ cần khoản chi đó chính đáng và phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của cuộc sống thì không cần phải đắn đo. Tiết kiệm không phải bớt xén cái ăn, cái mặc để rồi thiếu thốn, kham khổ. Nguyên tắc là tiết kiệm trước, chi tiêu sau, chứ không phải chi tiêu dè sẻn rồi còn bao nhiêu mới cất đi tiết kiệm. Mỗi khi nhận được những khoản thu nhập, mình tổng kết lại rồi trích ra một tỉ lệ phần trăm nào đó bỏ vào tiết kiệm, sau đó lên ngân sách những khoản chi cố định trong tháng và dự phòng những việc phát sinh. Như thế mình có thể thoải mái chi tiêu trong khoản ngân sách đã định mà không phải dè sẻn.

Từ khi sống tối giản, mình đã bớt ham đồ rẻ. Thay vì mua những món đồ rẻ tiền, mình bắt đầu quan tâm đến tiêu dùng bền vững. Mình quan tâm đến thương hiệu, ưu tiên dùng hàng nội địa và mua sắm những món đồ chất lượng hơn để dùng lâu hơn.

Chúng ta kiếm tiền cũng chỉ để phục vụ đời sống, nên cần học cách sử dụng tiền hợp lý. Không nên tiêu xài hoang phí, cũng không nên vì ám ảnh tích trữ mà bắt bản thân sống quá kham khổ.

Dành cho bản thân những thứ tốt nhất, vì mình xứng đáng

Lần đầu tiên mình đi du lịch một mình, chồng của bạn mình khi nghe chuyện đã cho rằng mình đua đòi theo giới trẻ. Mình phải nhấn mạnh, đó là lần đầu tiên mình bỏ tiền túi ra để đi du lịch tự túc, trước đó chủ yếu mình đi cùng công ty và chính bản thân mình cũng không coi du lịch mà một nhu cầu thiết yếu. Đi một lần rồi mới tiếc, không phải tiếc tiền mà tiếc sao hồi trẻ không đi nhiều hơn.

Đúng là du lịch không phải khoản chi thiếu yếu, nhưng đó là khoản đầu tư cần thiết cho bản thân mình. Mỗi người có sự ưu tiên khác nhau, như mình không mê mỹ phẩm, váy áo, giày túi, thay vào đó mình sẵn sàng chi cho ăn uống, sức khỏe, giáo dục và du lịch. Mình thích đi đó đây, ngắm nhìn thế giới bên ngoài, trò chuyện với những người chưa từng quen biết. Mà mỗi chuyến đi như vậy cũng không tốn kém như mình nghĩ. Cô bạn đồng nghiệp cũ của mình chia sẻ là hồi mới đi làm lương thấp thật nhưng tiết kiệm vài tháng cũng thừa cho một chuyến đi. Thế mà hồi ấy chẳng dám đi, giờ chồng con vào rồi muốn đi cũng chẳng có thời gian. Khi từng trải và đúc kết lại, người ta thường hối tiếc vì những điều mình không làm hơn là những gì mình đã làm.

Trước mỗi chuyến đi, mình cũng đắn đo nhiều. Nhưng sau mỗi chuyến đi mình mới thấy đó là trải nghiệm rất đáng tiền và chẳng có gì hối tiếc. Tiền thì mình có thể kiếm bất cứ lúc nào, nhưng không phải lúc nào cũng thoải mái tinh thần và sẵn sàng cho những trải nghiệm.

Vì mình đi một mình nên ưu tiên tính an toàn và tiện lợi lên trên hết. Mình đã đặt trọn gói từ vé xe khách, xe trung chuyển, phòng ở, bữa ăn đến tour trekking đi rừng cho đỡ phải nghĩ nhiều. Ban đầu mình cũng đắn đo một chút về giá nhưng rồi mình nghĩ giá cả do thị trường quyết định, không có đắt rẻ, chỉ là thuận mua vừa bán. Giữa hai hạng phòng, nếu giá không quá chênh lệch thì mình chọn hạng phòng cao hơn.

Điểm đến thế nào thì mình phải tự trải nghiệm mới biết được, cũng như khoản đầu tư nào mà chẳng có rủi ro. Đầu tư cho bản thân thường ít khi thua lỗ vì không có đúng sai, chỉ có những trải nghiệm và bài học. Người ta chỉ quan tâm đến giá cả để đánh giá đắt rẻ, nhưng giờ mình quan tâm đến cả giá trị nữa.

Bớt chi li tính toán để thấy cuộc sống của mình đủ đầy hơn

Khi đi du lịch nước ngoài mới thấy họ làm du lịch chuyên nghiệp và việc tip tiền cho hướng dẫn viên là một khoản phí bắt buộc ghi rõ trong tour. Hồi mình đi Thái Lan, bất kỳ điểm du lịch nào cũng đặt một hòm tiền tip để khách du lịch tùy tâm tip thêm. Hôm đi xem show voi, sau khi màn trình diễn kết thúc, những chú voi cũng đi “vòi” tiền tip rất điệu nghệ. Ở Việt Nam thì văn hóa tip chưa được phổ biến lắm và thường tùy tâm khách. Thường người ta sẽ nghĩ tất cả đã có trong phí dịch vụ rồi và chi phí cũng không hề rẻ, sao còn phải tip thêm?

Mình bắt đầu học cách “sống thoáng” bằng việc cho đi nhiều hơn. Mình nhận ra không phải khi có nhiều tiền mình mới có thể cho đi mà chính việc cho đi khiến mình cảm thấy cuộc sống của mình đủ đầy hơn. Mình không biết phải đạt đến con số nào mới được coi là nhiều tiền, mình chỉ biết số tiền mình cho đi cũng không khiến mình nghèo đi. Mặc dù giá tour mình mua không rẻ nhưng porter cũng chỉ nhận được một tỉ lệ phần trăm nào đó và job cũng không đều do phụ thuộc thời tiết, lượng khách, phân bổ cho các porter khác. Anh porter dẫn đoàn mình hôm đó cũng khá vất vả, một mình làm trụ cột nuôi cả nhà. Vậy nên, số tiền mình tip cho anh tuy nhỏ song có lẽ cũng giúp anh thêm được phần nào.

Khi đi chợ, mình mặc cả “vì đam mê” chứ nếu người bán không đồng ý thì mình cũng ít khi đứng “cò kè bớt một thêm hai”. Thời gian mới quan trọng, chứ không phải vài nghìn lẻ họ bớt cho mình. Mình thường đi chợ mua thực phẩm vào buổi sáng của các chị bán vỉa hè, họ bán vốn rẻ rồi nên mình cũng ít mặc cả. Dần dà mình thành khách quen, dù mình không mặc cả thì các chị cũng tự bớt cho mình. Hôm trước chị hàng tôm khen: “Tính em thích nhỉ? Mua bán rất thoáng”.

Sáng hôm nọ đi chợ, mình gặp lại cô hàng rau từng nhầm tiền với mình. Lần đó mình đưa tờ 100k để trả cho gói nấm 15k, hôm đó cô cũng đông khách, ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng hiểu thế nào mà cô quả quyết mình đưa tờ 50k, trong khi trước đó mình vừa vét hết tiền lẻ để mua thịt và trong ví không còn tờ 50k nào cả. Mình tranh cãi một lúc, cuối cùng ấm ức ra về và coi như gói nấm hôm đó mình phải mua với giá 65k. Vụ việc ồn ào đến mức, hôm sau bà hàng thịt cạnh đó còn hỏi: “Thế cuối cùng nó có trả tiền cho mày không?”. Sau lần đó, mình không bao giờ mua ở hàng rau đó nữa.

Oan gia ngõ hẹp, khi mới chạm mặt nhau, cả mình và cô ấy đều khựng lại khi nhận ra nhau. Mình thoáng nghĩ trong giây lát, định bỏ đi hàng khác nhưng nghĩ mới sáng ra dừng xe trước cửa hàng người ta mà không mua thì cũng không nên. Cuối cùng mình nghĩ, dù có xích mích gì cũng có thể bỏ qua, đó mới là cách hành xử của người có tu. Hôm đó cô ấy đã rất nhiệt tình chọn cho mình những búp rau mầm đá tươi ngon nhất.

Tin rằng bản thân có thể kiếm đủ số tiền mình cần

Hôm trước sau khi thống kê chi tiêu trong tháng, mình nhận ra chuyến du xuân của mình không hề tốn kém như mình nghĩ. Sau khi trừ đi các khoản chi trong tháng thì ngân sách tháng trước vẫn còn dư, dù có phát sinh thêm chi phí du lịch.

Mình cũng có những khoảng thời gian lo lắng về tiền bạc, trộm vía là túc tắc vẫn có đồng ra, đồng vào đủ để mình chi tiêu. Mình từng nghĩ với một người trưởng thành thì kiếm tiền là quan trọng nhất. Nhưng rồi mình đã nhận ra sống mới là điều quan trọng nhất. Mình phải sống tốt trước đã rồi muốn làm gì thì làm.

Vậy nên, khi hạnh phúc, mình cho phép bản thân cảm nhận nó một cách trọn vẹn và không có “nhưng”. Mình tin vào bản thân, tin rằng mình sẽ kiếm đủ số tiền mình cần. Chỉ cần mình còn thời gian và sức khỏe thì mọi thứ đều có thể.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết tâm đắc hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started