Buông bỏ và chấp nhận

Vạn vật đều đổi thay theo thời gian

Đối diện của sổ phòng mình là một bãi đất trống. Bác hàng xóm tận dụng rào lại để làm chuồng nuôi hàng đàn gà vịt và chó. Sáng ra mình chưa dậy thì đàn vịt đã kêu “quạc quạc quạc”. Mình ngái ngủ nhăn nhó: “Sao đã trốn về quê rồi mà vẫn phải chịu cảnh ồn ào?” Nhưng dần dà mình cũng quen cảnh mỗi lần ngồi làm việc, nhìn ra cửa sổ thấy đàn gà vịt quây quần bên gốc cây để ăn uống, trông cũng yên bình.

Gần đây một chủ doanh nghiệp gỗ thuê bãi đất đó để xây nhà xưởng. Thế là người ta bắt đầu dọn dẹp, san phẳng và chặt luôn cả cái cây. Đàn gà vịt chó không còn chỗ trú, túa cả ra đường. Rồi bắt đầu từng xe tải chở gạch, sỏi, cát, xi măng đến. Những ngày giáp Tết, ngày nào từ sáng sớm đến tối mịt cũng hối hả tiếng xe tải, tiếng máy trộn xi măng, tiếng người huyên náo. Với người hướng nội nhạy cảm như mình, tiếng ồn và ánh sáng mạnh đúng là một “kiếp nạn”. Trước đây nghe tiếng vịt kêu, chó sủa, ít ra nó còn tự nhiên, đó là cái ồn của cuộc sống nhà nông. Còn công trình xây dựng và tiếng máy móc là một dạng ồn ào, bụi bặm vô cùng khó chịu. Mình càu nhàu: “Còn vài ngày nữa là Tết, sao không đợi ra Tết hẵng làm.” Bởi ra Tết mình không ở nhà, không còn phải chịu kiếp nạn này nữa.

Có những hôm ngồi thiền trong tiếng ồn, mình suy nghĩ. Đây chính là “oán tăng hội khổ” trong Bát khổ của Phật giáo, nỗi khổ khi phải sống chung với thứ khiến mình khó chịu. Đây cũng là cảnh huống để mình rèn được hạnh nhẫn nhục, tức là khả năng bình thản chấp nhận những điều bất như ý. Ngoài kia là những người thợ đang chăm chỉ làm việc, kiếm những đồng tiền chân chính, nhờ có công việc này mà họ có cái Tết ấm hơn. Gia đình mình thì thấy việc họ xây dựng là chuyện bình thường, đất của họ thì họ xây, lúc nhà mình xây thì hàng xóm cũng thấy ồn và bụi vậy thôi. Chỉ có người thích yên tĩnh như mình là cảm thấy khó chịu. Tất nhiên là mình có quyền nhức đầu khó chịu, nhưng mình cũng đang học cách chấp nhận.

Dạo này mình đang học Bát nhã ba la mật đa tâm kinh bản tiếng Hán để hiểu về sự vô thường của cuộc đời. Hết thảy vạn vật trong vũ trụ, từ sắc, thọ, tưởng, hành, thức, tất cả đều là không. Cảnh đang ở trước mắt ta đấy nhưng phút chốc đã đổi thay theo thời gian.

Ngày xưa nhà bà nội mình ở gần bờ sông, bên kia là bên lở, bên này là bên bồi. Bà tận dụng những bãi bồi ven sông để trồng khoai, trồng đỗ. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, mọi thứ đảo chiều, giờ bên này mới là bên lở, người ta phải trồng tre ngăn xói mòn. Giờ mỗi lần về quê nội, muốn xuống bờ sông chơi mà không còn bãi cát nào nữa. Cả tuổi thơ của mình đã bị cuốn trôi theo dòng nước rồi. Nước chảy đá mòn, sông sâu tĩnh lặng mà âm thầm cuốn phăng cả tảng đá lớn.

Cả chúng ta, một ngày nào đó cũng hóa thành cát bụi. Hôm qua mình đi bộ, đi qua một nhà thấy bê cả bàn ghế ra đường, ban đầu mình tưởng họ dọn nhà đón Tết, nhưng nghe nói chuyện mới biết là có người vừa mất. Mình nhìn vào trong nhà thì thấy có một chiếc giường đang buông màn kín mít. Mẹ mình cảm thán: “Tết đến nơi rồi mà không để ăn Tết xong rồi hẵng đi.” Mình thầm nghĩ, một khi đã tới số thì 30 cũng chết được mà mồng 1 cũng chết được. Lịch là thứ con người phát minh ra để tiện theo dõi thời gian chứ với Thánh Thần thì làm gì có khái niệm tất niên hay năm mới. Tận số rồi thì phải chết, con người có thể chết bất cứ lúc nào với bất kỳ nguyên do nào.

Có nên nhặt lại thứ đã buông?

Dù mình không chủ động tìm thêm việc để cày thêm tiền thì dạo gần đây thi thoảng mình lại nhận được offer job nọ, job kia. Nếu cảm thấy làm được và không tốn quá nhiều thời gian thì mình cũng nhận, coi như kiếm thêm đồng tiêu Tết. Làm gì có ai chê tiền bao giờ, huống hồ job qua người quen giới thiệu thì uy tín hơn những job mình tự kiếm trên mạng. Thường thì công việc freelance mình nhận có hai dạng, ngắn hạn và dài hạn. Job ngắn hạn thì đánh nhanh diệt gọn và tiền tươi thóc thật nhận luôn. Còn job dài hạn thì cho một khoản thu đều đặn hàng tháng, đồng nghĩa với việc tốn thời gian hơn nên phải thật sự phù hợp thì mới gắn bó được lâu dài.

Hôm trước, bạn mình kết nối mình với một bên đang có nhu cầu tìm người làm content và cũng muốn hợp tác lâu dài. Mình đồng ý nhận, nhưng sau khi hoàn thành lô video đầu tiên thì mình thôi không làm nữa. Cùng thời điểm đó, mấy chị BTV bên trang tin mình từng cộng tác trước đây liên hệ đặt bài Tết. Mình nhận lời một người, nhưng sau đó bắt đầu hối hận nên khi một chị khác liên hệ thì mình từ chối ngay từ đầu.

Sẽ chẳng có gì sai nếu ta yêu tiền và tranh thủ cơ hội để kiếm thêm tiền. Nhưng động cơ kiếm tiền của mình là gì? Mình có đang khó khăn, thiếu thốn không? Mình có yêu thích công việc đó không? Bất kỳ việc gì mình làm đều phải đánh đổi bằng thời gian, công sức và sự chú ý. Khi ta dành thời gian cho việc này thì buộc phải bớt xén thời gian cho việc khác.

Đôi khi mình nhận làm một việc gì đó không phải vì mình thiếu tiền mà vì nể, vì muốn được công nhận. Khi ai đó cần mình và tìm đến mình, họ tạo cho mình cái cảm giác bản thân có giá trị. Ngoài ra còn vì nỗi sợ, sợ bỏ lỡ một cơ hội tốt, sợ từ chối thì sau này người ta không tìm mình nữa, sợ đến khi mình cần tiền thì lại không tìm được job nên kiếm thêm được đồng nào hay đồng ấy.

Vì những chấp niệm đó mà có lần đêm trước buổi đi du lịch cùng gia đình, mình còn ngồi tranh thủ cày job vì không dám từ chối. Vừa phải thức khuya, vừa cảm thấy không thoải mái mà tiền kiếm được thì cũng chẳng đáng bao nhiêu. Chính vì thế nên gần đây mình đã dám từ chối nếu job đến không đúng thời điểm. Và kết quả là sau đó có job phù hợp thì chị ấy vẫn tìm mình chứ không phải vì mình từ chối một lần mà người ta không cần mình nữa. Mình nghỉ viết bên trang tin nọ mấy năm rồi nhưng khi cần thì người ta vẫn nhớ đến mình. Nếu công việc đó vẫn còn phù hợp thì mình đã không bỏ, vậy thì tại sao mình lại nhận lời khi họ tìm mình?

Mọi thứ trên đời đều có thể thay đổi và một khi đến lúc tàn thì mình chỉ có thể buông, thứ đã buông bỏ rồi thì chẳng nên nhặt lại làm gì.

Lên mạng xã hội thì phải vui, không vui thì thà đi ngủ còn ý nghĩa hơn

Hôm trước bạn mình gửi mình link post bài viết của một “nhà phê bình” về một bộ phim mới ra rạp, đại khái là bạn không đánh giá cao những gì anh ấy viết. Mình lúc ấy mới ngủ dậy, mắt nhắm mắt mở, cố đọc hết bài viết đó, xong mình nhắn lại. “Đây chỉ là những dòng cảm xúc vụn sau khi xem phim chứ không phải một bài phê bình hoàn chỉnh. Về câu chữ thì dùng nhiều thuật ngữ, lại còn mở ngoặc từ tiếng Anh cho có vẻ có chiều sâu nhưng nội dung thì chẳng có gì. Được cái anh ấy cũng là người chăm xem, chăm viết và được độ cho cái gọi là “tầm ảnh hưởng”. Nói chung mình thấy hợp gu thì đọc, không thì lướt.”

Lâu rồi FB của mình chỉ toàn chó mèo, động vật, clip giải trí. Bạn bè thì mình chỉ để theo dõi một vài người, còn lại thì mình unfollow hết. Mình không có vấn đề gì với họ cả, chỉ là mình không quan tâm những thứ họ chia sẻ thôi. Còn những người thật sự quan trọng với mình, mình có nhiều cách để cập nhật tình hình của họ chứ không cần phải theo dõi từng dòng status hay những tấm ảnh họ đăng trên mxh. Mình bảo bạn là lên mxh thì phải vui, không vui thì thà đi ngủ còn ý nghĩa hơn, khỏe người, khỏe đầu. Bạn mình bảo với vị trí một chủ doanh nghiệp trong thời buổi suy thoái kinh tế, bạn cũng muốn sống healthy lắm nhưng nhân viên và khách hàng không cho, mỗi ngày bạn chỉ được ngủ không quá 4 tiếng. Thời gian ngủ còn không đủ, vậy còn sân si chuyện người ta chi vậy?

Mình đang tận hưởng cuộc sống nhẹ gánh của một người ít sở hữu. Dẫu vậy, mình vẫn đang phải học cách buông. Không phải buông bỏ vật chất vì mình có bao giờ thèm tiền hay thèm danh đâu. Cái mình cần buông là tham sân si, buông bỏ quá khứ, buông xuống nỗi sợ hãi. Hôm nay một chị influencer mà mình theo dõi chia sẻ podcast mùa mới với chủ đề “nỗi sợ”. Chị đăng khảo sát xem nỗi sợ hãi phổ biến của mọi người là gì. Mình cũng định viết xuống vài dòng nhưng sau lại thôi vì nghĩ cái mình sợ thì loài người cũng sợ. Y như rằng, sau đó chị đăng lên những nỗi sợ hãi phổ biến nhất được nhiều người chia sẻ, mình dính không trượt cái nào. Là một người đang học cách vượt qua nỗi đau, vượt qua nỗi sợ và buông bỏ, mình cũng rất mong chờ xem chị ấy sẽ chia sẻ những gì về chủ đề này.

I Am NGA

Nếu bạn thích bài viết này, hãy ủng hộ để tác giả có động lực chia sẻ nhiều bài viết tâm đắc hơn.

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Mời bạn nghe I Am NGA Podcast trên Spotify hoặc YouTube.

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started