‘Atomic Habits’: thành công đến từ những thói quen nhỏ bé

Cuốn sách Atomic Habits của James Clear gợi ý cho chúng ta một con đường phát triển bản thân, bắt đầu từ những thói quen nhỏ bé thường ngày.

Atomic Habits (Thay đổi tí hon, hiệu quả bất ngờ) của James Clear là cuốn sách hướng dẫn chúng ta tạo lập và nuôi dưỡng những thói quen tốt chỉ với 4 bước đơn giản. Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa ra những phương pháp loại bỏ những thói quen xấu. Một thói quen nguyên tử (atomic habit) là một thói quen nhỏ, một phần của hệ thống lớn hơn. Từ những thói quen nhỏ nhặt đời thường, người ta có thể tạo nên những điều lớn lao.

Vì sao những thay đổi nhỏ có thể dẫn đến những khác biệt lớn?

Tác giả chỉ ra công thức 1%, theo đó chỉ cần nỗ lực hơn 1% mỗi ngày, sau 1 năm chúng ta sẽ trở thành phiên bản tốt hơn 37 lần hiện tại, cũng giống như lãi suất kép trong đầu tư tài chính. 1% là con số rất nhỏ, không quá khó để thực hiện, ai cũng có thể làm được nhưng hiệu quả lại rất đáng kinh ngạc. Tốt hơn 37 lần mới chỉ là con số sau 1 năm chứ chưa tính đến 5 năm, 10 năm hay xa hơn nữa. Phải sau nhiều năm, ta mới nhận thức đầy đủ giá trị của những thói quen tốt và cái giá phải trả của những thói quen xấu.

Nếu bạn học một điều gì mới, bạn không chắc sẽ trở thành thiên tài nhưng về lâu về dài sẽ khiến bạn thay đổi, từ tư duy đến sự hiểu biết và chắc chắn sẽ trở thành một phiên bản tốt hơn. Đọc một cuốn sách không chỉ đem lại những kiến thức mới mà còn đem đến một góc nhìn mới về những vấn đề cũ.

Chúng ta luôn đặt ra những mục tiêu, đề cao sự nỗ lực nhưng cái quan trọng hơn cả là thiết lập một hệ thống thói quen. Động lực thường được đánh giá cao quá mức, trong khi môi trường lại quan trọng hơn. Môi trường góp phần tạo nên thói quen của mỗi người. Chúng ta thường có xu hướng bắt chước và lặp lại hành động của người khác, trong đó có 3 nhóm người có sức ảnh hưởng nhất là: những người thân quen, đám đông và những người có tầm ảnh hưởng.

Tại sao chúng ta dễ sa vào những thói quen xấu?

Suy cho cùng, tất cả những thói quen của chúng ta đều hàm chứa những động cơ ẩn bên dưới như: bảo toàn năng lượng, giành lấy đồ ăn, tìm kiếm tình yêu và duy trì nòi giống, kết nối với người khác, giành được sự chấp nhận và tán thưởng của người khác,…

Chẳng hạn, chúng ta quẹt Tinder để tìm kiếm tình yêu, lướt Facebook để kết nối với người khác, đăng bài lên Facebook để có được sự tán thưởng của người khác, tìm kiếm mọi thứ trên Google để giảm thiểu sự bất an.

Vì thế, thói quen chính là giải pháp thời hiện đại cho những khát khao nguyên thủy, động cơ ẩn dưới mỗi hành vi vẫn không thay đổi.

Con người dễ sa vào những thói quen xấu, trong khi khó khăn trong việc thiết lập những thói quen tốt. Điều này có liên quan đến cơ chế phần thưởng. Những thói quen xấu thường không cần nhiều nỗ lực để thực hiện và dường như bạn luôn được ‘thưởng nóng’ sau mỗi lần thực hiện chúng. Chẳng hạn như ăn thức ăn nhanh và cảm thấy thỏa mãn ngay lúc đó, dù sau đó có thể khiến bạn tăng cân. Trong khi đó, việc bạn chăm tập thể thao hay chịu khó đọc sách thường không mang đến một ‘phần thưởng’ tức thời.

Cách để thiết lập thói quen tốt và loại bỏ thói quen xấu

Sau khi phân tích kỹ lưỡng cơ chế hình thành thói quen từ góc độ khoa học, tác giả đã đưa ra công thức 4 bước cơ bản để hình thành thói quen tốt.

Quy luật 1: khiến thói quen trở nên rõ ràng

Đầu tiên, bạn phải có một cái nhìn tổng thể về tất cả những thói quen hiện tại của mình. Tác giả gợi ý chúng ta có thể làm một bảng đánh giá thói quen, bằng cách liệt kê tất cả những thói quen hiện có, sau đó đánh giá xem thói quen đó tốt, xấu hay trung tính.

Sau đó, bạn sẽ quyết định mình nên bỏ thói quen nào và thêm vào thói quen nào. Thói quen đó phải thật rõ ràng cả về thời gian và địa điểm. Bạn không thể đặt ra mục tiêu mơ hồ chung chung rằng sẽ đọc sách nhiều hơn mà phải cụ thể bằng việc đọc sách gì, mỗi ngày đọc bao nhiêu trang, đọc ở đâu.

Quy luật 2: khiến thói quen trở nên hấp dẫn

Bạn nên cặp thói quen bạn muốn thực hiện với một thói quen sẵn có mà bạn phải thực hiện mỗi ngày. Chẳng hạn, mỗi tối trước khi đi ngủ, bạn để sẵn một cuốn sách trên bàn. Buổi sáng sau khi thức dậy, bạn tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng và ngồi vào bàn đọc 1 trang sách. Hãy tham gia những cộng đồng giúp phát triển thói quen tốt, chẳng hạn những hội nhóm yêu sách. Để có thêm động lực thực hiện một thói quen tốt, hay làm điều bạn thích ngay trước một thói quen khó thực hiện.

Quy luật 3: khiến việc đó trở nên dễ dàng

Nếu bạn cảm thấy một việc gì đó quá khó khăn để thực hiện, bạn sẽ có xu hướng không muốn làm nó nữa. Vì thế, hãy giảm bớt sự bất tiện khi bắt đầu một thói quen mới. Chẳng hạn, việc tập thể thao 1 tiếng mỗi ngày là quá sức và bất khá thi, vậy hãy rút xuống còn 5 phút mỗi ngày. Khi bạn đã quen, bạn có thể nâng dần thời gian tập luyện. Mấu chốt của thói quen không phải là bạn luyện tập bao lâu mà bạn tập bao nhiêu lần, với tuần suất thế nào, có đều đặn không.

Quy luật 4: khiến thói quen mang tính thỏa mãn

Vì phần thưởng của những thói quen tốt thường đến chậm nên ngay sau khi bạn vừa thực hiện một thói quen tốt, hãy tự thưởng cho bản thân một món quà khiến bạn thỏa mãn. Ăn mừng những thành tựu nho nhỏ cũng khiến bạn có động lực để duy trì thói quen tốt lâu dài. Một trong những cách tạo cảm hứng để bạn lặp lại một thói quen, đó là theo dõi chuỗi thực hiện của bạn, bằng cách đánh dấu lên lịch, ghi vào sổ tay hoặc ứng dụng.

Để loại bỏ thói quen xấu, bạn chỉ cần đảo ngược 4 quy tắc trên: khiến thói quen xấu trở nên khó thực hiện, kém hấp dẫn, không mang tính thỏa mãn.

Bằng cách trình bày khoa học, dễ hiểu với những dẫn chứng khoa học rõ ràng, cuốn sách Atomic Habits sẽ là chiếc kim chỉ nam cho bất cứ ai muốn cải thiện bản thân mình, bắt đầu từ những thói quen nhỏ bé.

I Am NGA

* Một phiên bản của bài viết được đăng tải trên Zingnews.vn

Đọc thêm: ‘Tiền bạc và lý trí’: chúng ta tiêu tiền cảm tính và dễ mắc bẫy chiêu trò như thế nào?

Vui lòng đọc kỹ yêu cầu về bản quyền trước khi sao chép hoặc trích dẫn nội dung trên blog.

Xem thêm video:

Leave a comment

Create a website or blog at WordPress.com

Up ↑

Design a site like this with WordPress.com
Get started